Mỹ áp đặt chế tài lên 19 cá nhân người Nga và 5 tổ chức của Nga, bao gồm các cơ quan tình báo của Moscow, vì can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ và các vụ tấn công mạng gây tổn hại, Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm thứ Năm.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức chính phủ Nga và các nhân vật đầu sỏ chính trị Nga về "những hoạt động gây bất ổn của họ." Ông Mnuchin không đưa ra một khung thời gian cho những biện pháp trừng phạt đó, mà ông nói sẽ cắt đứt sự tiếp cận của các cá nhân này tới hệ thống tài chính của Mỹ.
"Chính quyền đang đương đầu và chống lại hoạt động có hại trên mạng của Nga, bao gồm nỗ lực của họ can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, các cuộc tấn công trên mạng mang tính hủy hoại, và các vụ xâm nhập các cơ sở hạ tầng trọng yếu," ông Mnuchin nói trong một thông cáo.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016 bằng cách tấn công tin tặc và tuyên truyền, một nỗ lực mà cuối cùng là để nghiêng cuộc đua theo hướng có lợi về phía Tổng thống Donald Trump. Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử.
Những đối tượng bị nhắm mục tiêu chế tài bao gồm các công dân và các thực thể Nga đã bị Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller cáo buộc vào ngày 16 tháng 2 phạm tội âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử. Cáo trạng nói những người Nga này đã mạo danh trên mạng để phát tán những thông điệp gây chia rẽ, đi đến Mỹ để thu thập tình báo và tổ chức các cuộc tập hợp chính trị trong khi giả dạng làm người Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm các cơ quan tình báo Nga, Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) và Tổng cục Tình báo Chính (GRU) và sáu cá nhân làm việc thay mặt cho GRU.
Hành động hôm thứ Năm phong tỏa tất cả tài sản của những đối tượng bị nhắm mục tiêu thuộc thẩm quyền tư pháp của Mỹ và cấm công dân Mỹ giao dịch với họ.
Bộ Tài chính nói rằng các chế tài cũng nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng mang tính hủy hoại, bao gồm cuộc tấn công NotPetya gây thiệt hại hàng tỉ đôla khắp Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Mỹ và Anh tháng trước quy trách quân đội Nga về cuộc tấn công này.
Các tin tặc của chính phủ Nga kể từ ít nhất là tháng 3 năm 2016 "cũng đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ Mỹ và nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ, bao gồm các cơ sở năng lượng, hạt nhân, thương mại, nước, hàng không và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu," thông cáo của Bộ Tài chính nói.
Một quan chức chính quyền cao cấp nói với các phóng viên rằng các tác nhân của Nga đã thâm nhập một số khu vực trong ngành năng lượng của Mỹ.
"Chúng tôi đã có thể xác định vị trí của họ trong các hệ thống kinh doanh đó và loại bỏ họ ra khỏi những hệ thống kinh doanh đó," quan chức này nói trong điều kiện ẩn danh.
Các nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ gần như đồng lòng thông qua một đạo luật mới về các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vào mùa hè năm ngoái, và họ đã chỉ trích ông Trump đã không gây sức ép lên Moscow. Chính quyền Trump hồi tháng 1 đã không công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, tính tới thời điểm này, theo luật mới.