Bộ Ngân khố Mỹ ngày 28/10 chung quyết một quy định mới nhằm ngăn chặn các cá nhân và công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ đầu tư vào việc phát triển một loạt các công nghệ tiên tiến tại Trung Quốc, nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận với các kỹ thuật chuyên môn và thiết bị tiên tiến.
Quy định này, thực hiện lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ký năm 2023, tập trung đặc biệt vào các chất bán dẫn và vi điện tử tiên tiến và các thiết bị được sử dụng để sản xuất chúng, công nghệ được sử dụng trong điện toán lượng tử và hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Khi có hiệu lực vào ngày 2 tháng 1 năm tới, quy định này sẽ cấm một số giao dịch nhất định trong lĩnh vực chất bán dẫn, vi điện tử và trí tuệ nhân tạo. Quy định cũng thiết lập các yêu cầu báo cáo bắt buộc đối với các giao dịch không bị cấm hoàn toàn.
Trong lĩnh vực điện toán lượng tử, quy định có phạm vi rộng hơn, cấm tất cả các giao dịch “liên quan đến việc phát triển máy tính lượng tử hoặc sản xuất bất kỳ thành phần quan trọng nào cần thiết để sản xuất máy tính lượng tử”, cũng như việc phát triển các hệ thống lượng tử khác. Không giống như các lĩnh vực AI và chất bán dẫn, quy định không cho phép các giao dịch có thể hoàn tất cho tới khi nào chúng được báo cáo cho chính phủ.
Quy định cũng công bố việc thành lập Văn phòng Giao dịch Toàn cầu thuộc Văn phòng An ninh Đầu tư của Bộ Ngân khố, nơi sẽ quản lý Chương trình An ninh Đầu tư Ra nước ngoài.
Biện minh và chống đối
“Trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và công nghệ lượng tử đóng vai trò cơ bản trong sự phát triển của thế hệ tiếp theo của các ứng dụng quân sự, giám sát, tình báo và an ninh mạng nhất định như hệ thống máy tính phá mã tiên tiến hoặc máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo”, ông Paul Rosen, phụ tá bộ trưởng phụ trách khâu an ninh đầu tư, cho biết trong một tuyên bố.
“Quy định Chung quyết này đưa ra các biện pháp có mục tiêu và cụ thể để đảm bảo rằng khoản đầu tư của Hoa Kỳ không bị khai thác để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ quan trọng bởi những người có thể sử dụng chúng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Rosen nói.
Bắc Kinh đã nhiều lần phàn nàn về chính sách công nghệ của Hoa Kỳ, lập luận rằng Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Trong một cuộc họp báo vào ngày 29/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã nhắc lại sự phản đối lâu nay của Trung Quốc đối với những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn cản công nghệ tiên tiến khỏi các công ty Trung Quốc.
“Trung Quốc lên án và bác bỏ Quy định Chung cuộc của Hoa Kỳ nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc”, ông Lâm nói. “Trung Quốc đã phản đối Hoa Kỳ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Không chỉ là thiết bị
Ngôn ngữ của quy định thường lưu ý rằng áp dụng cho các giao dịch với “các quốc gia cần quan tâm”, nhưng ngôn ngữ cụ thể trong văn bản nêu rõ rằng mục tiêu của quy định là các công ty và cá nhân kinh doanh tại Trung Quốc đại lục cũng như “các đặc khu hành chính” Hong Kong và Macao.
Lệnh cấm giao dịch của Quy định Chung cuộc không chỉ giới hạn ở việc chuyển giao vật lý hàng hóa thành phẩm và máy móc trong các lĩnh vực được chỉ định. Các tài liệu giải thích được công bố vào ngày 28/10 nêu rõ rằng một số lợi ích vô hình cũng được đề cập.
Các quốc gia cần quan tâm “đang khai thác hoặc có khả năng khai thác một số khoản đầu tư ra nước ngoài của Hoa Kỳ, bao gồm một số lợi ích vô hình thường đi kèm với các khoản đầu tư Hoa Kỳ và giúp các công ty thành công”, một tuyên bố thông tin kèm theo quy định cho biết. “Những lợi ích vô hình này bao gồm nâng cao vị thế và sự nổi bật, hỗ trợ quản lý, mạng lưới đầu tư và nhân tài, tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính bổ sung”.
Ra tín hiệu cho các công ty Hoa Kỳ
Trách nhiệm sẽ thuộc về các công ty Hoa Kỳ trong việc tuân thủ quy định mới, ông Stephen Ezell, phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại Sáng hội Công nghệ thông tin và Đổi mới, nói với VOA.
“Đây là tín hiệu của chính phủ Hoa Kỳ gửi đến các thực thể và nhà đầu tư Hoa Kỳ rằng họ cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đầu tư vào phía giao dịch bị cấm của phương trình vốn sẽ thúc đẩy năng lực của Trung Quốc trong các lĩnh vực này”, ông Ezell cho biết.
Ông nói thêm rằng tác động của quy định đối với đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ có tác động vượt xa bất kỳ khoản cắt giảm tài trợ nào.
“Không chỉ là tiền bạc”, ông nói. “Mục tiêu chính ở đây là khai thác những lợi ích vô hình đi kèm với các khoản đầu tư đó, chẳng hạn như năng lực quản lý, mạng lưới nhân tài”. Ông mô tả tổn thất đó là “rất đáng kể”.
Bịt lỗ hổng
Trong một cuộc trao đổi qua email với VOA, ông Daniel Gonzales, một nhà khoa học cấp cao tại RAND Corporation, giải thích rằng mục đích của quy định, một phần, là để ngăn chặn các công ty đầu tư của Hoa Kỳ hỗ trợ các công ty Trung Quốc trong việc phát triển một số loại công nghệ nhất định.
“Những quy định này được đưa ra sau nhiều vụ việc mà các công ty [vốn đầu tư mạo hiểm] của Hoa Kỳ đã giúp chuyển giao hoặc nuôi dưỡng các công nghệ tiên tiến có khả năng quân sự liên quan,” ông Gonzales viết. “Một trường hợp cụ thể là TikTok và các thuật toán AI của họ, được phát triển với sự trợ giúp của Sequoia Capital of California.”
Ông Gonzales cho biết Sequoia không vi phạm bất kỳ luật nào khi hỗ trợ TikTok. Nhưng “kể từ đó, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã biết rằng TikTok sở hữu một thuật toán AI có nhiều ứng dụng, một số trong đó có ý nghĩa quân sự. Quy định mới này nhằm mục đích đóng lỗ hổng này.”
Ông Gonzales nói mối quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với máy tính lượng tử cũng xuất phát từ lo ngại về khả năng tấn công của Trung Quốc.
“Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển các thuật toán máy tính lượng tử có thể phá vỡ các mã hóa được chính phủ Hoa Kỳ và khu vực tài chính Hoa Kỳ sử dụng để bảo vệ thông tin riêng tư và bí mật,” ông viết. “Trung Quốc có một số công ty khởi nghiệp đang nỗ lực phát triển các máy tính lượng tử mạnh hơn. Quy định mới này nhằm mục đích ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ lượng tử của Hoa Kỳ vào Trung Quốc thông qua các Công ty Vốn Mạo hiểm của Hoa Kỳ.”