Hôm 20/6, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết không có đối tác thương mại lớn nào thao túng tiền tệ của nước này trong năm ngoái, nhưng Washington đã đưa thêm Nhật Bản vào “danh sách giám sát” ngoại hối, cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức, vốn đã bị đưa vào danh sách này trước đó, Reuters đưa tin.
Báo cáo tiền tệ nửa năm của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho thấy trong số các nước bị kiểm tra, không nước nào phạm vào cả 3 tiêu chí dẫn đến bị “phân tích nâng cao” về hoạt động ngoại hối của họ trong 4 quý tính đến hết tháng 12/2023.
Một quốc gia sẽ tự động bị đưa vào danh sách giám sát tiền tệ nếu phạm phải 2 trong 3 tiêu chí sau: thặng dư thương mại với Mỹ lên đến ít nhất 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản toàn cầu trên 3% GDP và mua ngoại hối ròng một chiều liên tục ít nhất 2 % GDP trong 12 tháng.
Bộ Tài chính cho biết Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam và Đức đều phạm vào những tiêu chí về thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai quá mức.
Singapore phạm vào những tiêu chí về can thiệp ngoại hối liên tục và thặng dư tài khoản vãng lai vật chất còn Malaysia phạm vào những tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai, nhưng một khi có tên trong danh sách, phải mất hai chu kỳ báo cáo tiền tệ mới được loại bỏ.
Việt Nam vẫn bị giám sát
Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng lên 5,8% GDP trong năm 2023, trong khi thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Mỹ là 103 tỷ USD, phạm phải 2 tiêu chí để bị đưa vào danh sách giám sát.
Việt Nam, quốc gia đang mong muốn được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, đã “truyền đạt một cách đáng tin cậy” tới Bộ Tài chính Mỹ rằng họ đã mua ròng ngoại hối tương đương 1,5% GDP vào năm 2023, dưới ngưỡng 2% của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cho biết họ “vẫn hài lòng” với tiến bộ của Việt Nam trong việc hiện đại hóa tính minh bạch của chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như VOA đã đưa tin, vào tháng 11/2023, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.
Trung Quốc thiếu minh bạch
Trung Quốc bị đưa vào danh sách giám sát vì thặng dư thương mại lớn với Mỹ và vì thiếu minh bạch xung quanh các chính sách ngoại hối của nước này.
“Việc Trung Quốc không công bố sự can thiệp ngoại hối (FX) và thiếu minh bạch nói chung về các tính năng chính của cơ chế tỷ giá hối đoái tiếp tục khiến nước này trở thành một ngoại lệ trong số các nền kinh tế lớn và cần phải bị Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong báo cáo.
Bản báo cáo của Mỹ cũng đặt ra câu hỏi về việc Trung Quốc báo cáo dữ liệu về số dư tài khoản vãng lai, cho thấy thặng dư của nước này giảm từ 2,5% vào năm 2022 xuống còn 1,4% GDP vào năm 2023. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng dữ liệu cán cân thanh toán của Trung Quốc, do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước công bố, về thặng dư thương mại của nước này dường như mâu thuẫn với dữ liệu hải quan của chính Trung Quốc và của các đối tác thương mại khác.
Một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói bộ đang cố gắng tìm hiểu “những điều bất thường” này.
Sự can thiệp của Nhật
Quan chức này nói rằngcác biện pháp can thiệp ngoại hối gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhằm nâng giá trị đồng yen không phải là yếu tố quyết định đưa Nhật Bản vào danh sách giám sát tiền tệ. Quan chức này viện dẫn thặng dư thương mại cao trong năm 2023 của Nhật Bản với Mỹ là 62,4 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này là 3,5% GDP, tăng từ mức 1,8% vào năm 2022.
Nhưng báo cáo của Bộ Tài chính nói Nhật Bản đã can thiệp vào tháng 4 và tháng 5/2024 bằng cách mua đồng yen và bán đôla để củng cố giá trị đồng yen. Việc can thiệp này nằm ngoài khoảng thời gian được báo cáo và là lần đầu tiên Nhật thực hiện động thái này kể từ tháng 10/2022.
Bộ Tài chính đánh giá Nhật Bản minh bạch trong hoạt động ngoại hối, nhưng nói thêm: “Kỳ vọng của Bộ Tài chính là ở các thị trường trao đổi giao dịch tự do, rộng lớn, chỉ nên can thiệp trong những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn trước một cách phù hợp”.
Báo cáo cho hay hầu hết các biện pháp can thiệp ngoại hối vào năm 2023 đều tập trung vào việc bán đôla - những hành động nhằm củng cố giá trị của một loại tiền tệ so với đồng đôla. Đồng đôla đã mạnh lên trong hai năm qua khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Mối quan ngại lớn hơn trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ là về các biện pháp can thiệp để mua đôla và do đó làm suy yếu các loại tiền tệ khác.
“Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong 4 quý tính đến hết tháng 12/2023, không có đối tác thương mại nào bị phát hiện thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng đôla Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”, Bộ Tài chính nhận xét.