Hoa Kỳ và các đồng minh cảnh báo Iran hôm thứ Sáu 15/3 rằng các nền kinh tế lớn của phương Tây sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran nếu chính quyền này thực hiện kế hoạch cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để dùng trong cuộc chiến với Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Biden đưa ra cảnh báo trong nhiều tháng nay rằng Nga muốn mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran vào lúc Moscow gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn tiếp liệu đang cạn kiệt.
Mỹ vẫn chưa xác nhận liệu tên lửa đã được chuyển từ Iran sang Nga hay không. Nhưng các quan chức Mỹ thấy báo động về những phát biểu của các quan chức Iran báo hiệu rằng sắp có một thỏa thuận.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, đề nghị giấu tên, cho hay nhóm các nước G7 đang cân nhắc việc cấm Iran Air, là hãng hàng không quốc gia Iran, bay đến châu Âu.
Các nhà lãnh đạo G7 nói trong một tuyên bố: “Nếu Iran tiếp tục cung cấp tên lửa đạn đạo hoặc công nghệ liên quan cho Nga, chúng tôi sẵn sàng đáp trả nhanh chóng và có sự phối hợp, bao gồm các biện pháp mới và đáng kể nhằm vào Iran”.
Phái bộ của Iran tại Liên Hiệp Quốc nói hồi tháng trước rằng chẳng có hạn chế pháp lý nào ngăn cản nước này bán tên lửa đạn đạo nhưng tự họ thấy “có nghĩa vụ đạo lý là phải kiềm chế các giao dịch vũ khí trong cuộc xung đột Nga-Ukraine để tránh đổ thêm dầu vào ngọn lửa chiến tranh”.
Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Iran, nhằm vào các cá nhân cũng như hạn chế khả năng của nước này tiếp cận thương mại, dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghệ và các lĩnh vực khác. Các biện pháp trừng phạt đối với Iran được cho là có quy mô sâu rộng và toàn diện nhất mà Hoa Kỳ áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào, với hàng nghìn cá nhân và tổ chức bị nhắm mục tiêu.
Chính quyền thuộc đảng Dân chủ hồi tháng 1 cho hay các quan chức tình báo Mỹ xác định là thỏa thuận Nga-Iran chưa được hoàn tất nhưng họ lo ngại rằng các cuộc đàm phán của Nga để mua tên lửa từ Iran đang tiến triển tích cực.
Theo Nhà Trắng, vào tháng 9/2023, Iran đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để quảng bá một loạt các hệ thống tên lửa đạn đạo – sự việc đó làm dấy lên lo ngại của Mỹ rằng một thỏa thuận có thể đi đến chung cuộc.