Trong tuần này, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ gặp nhau lần đầu tiên trong 4 năm để thảo luận về vấn đề an ninh. Sau đó, các bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gặp nhau lần đầu trong gần 3 năm qua. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA Brian Padden tường trình rằng Hoa Kỳ cũng đang làm việc ở hậu trường để giúp các cường quốc Châu Á giải quyết những vấn đề liên quan tới lịch sử và chủ nghĩa dân tộc, để đến với nhau nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên.
Chuyến đi thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm ngoái đến viếng Đài tưởng niệm Chiến sĩ Trận Vong Nhật Bản, trong đó có một số tội phạm chiến tranh trong thời Thế chiến Thứ hai đã làm nhiều người ở Trung Quốc và Nam Triều Tiên phẫn nộ. Gia đình những người này đã chịu đựng những thống khổ dưới sự thống trị tàn bạo của Nhật Bản.
Trong khi chiến tranh đã chấm dứt cách đây 70 năm, những đau khổ vì những vụ tàn sát vẫn chưa được giải quyết, và còn trong tâm tưởng người dân Nam Triều Tiên và Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề liên quan tới các an ủi phụ, hơn 200.000 phụ nữ Châu Á đã bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến Thứ hai.
Tại Seoul, những người trẻ tuổi tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần trước tòa đại sứ Nhật Bản, để đòi Tokyo xin lỗi và bồi thường.
Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Tokyo phải chuộc lỗi về những vụ tàn sát trong thời chiến tranh trước khi các mối quan hệ với Nhật Bản được cải thiện.
“Mọi người cần phải có cái nhìn đúng đắn về lịch sử và điều này có nghĩa là cần xem lịch sử như một tấm gương trong khi nhìn về tương lai.”
Những nỗi thống khổ lịch sử này, cũng như những tranh chấp về các đảo nhỏ, đã tạo ra những va chạm và làm ngăn cản mậu dịch và đầu tư giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.
Ông Daniel Pinkston, một nhà phân tích về các vấn đề Đông Bắc Á thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói tiến trình hoà giải thực sự cần sự công nhận là tất cả các bên gồm cả Nhật Bản, đã chịu đựng những tổn hại nặng nề trong chiến tranh. Tuy nhiên điều này chắc chắc sẽ không xảy ra trong môi trường phân cực hiện nay.
“Tôi không thấy bất cứ dấu hiệu gì về điều đó tại Đông Á. Tình hình ở đây giống như là một sự cạnh tranh để làm mất uy tín bên kia, xem bên nào phạm tội nhiều hơn và chúng tôi chịu nhiều tổn hại, còn anh thì không.”
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, mới đây đã bị các giới chức tại Seoul chỉ trích vì đã về phe Nhật Bản khi bà nói rằng những vấn đề này đã bị tất cả các bên khai thác để vận động sự ủng hộ chính trị.
Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học trường đại học Sejong nói Hoa Kỳ thầm lặng thúc đẩy các bên hãy chấm dứt những bất đồng để đối phó với mối đe dọa lớn hơn, là ngăn chận Bắc Triều Tiên theo đuổi các vũ khí hạt nhân.
“Qua bà Sherman, Hoa Kỳ gợi ý rằng Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản không nên tranh chấp lẫn nhau, mà hãy nên nhượng bộ lẫn nhau về các vấn đề lịch sử trong quá khứ, trong khi tất cả cần chú tâm giải quyết vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên.”
Các yếu tố khác cũng gây thêm phức tạp cho các quan hệ là những quan ngại trong vùng về việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, và cách Thủ tướng Abe diễn giải hiến pháp hòa bình của nước này để củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản.