Mỹ lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á-TBD: Ngoại trưởng Úc

Bức ảnh chụp từ bản tin trên truyền hình KRT của Bắc Hàn hôm 15/5 cho thấy vụ phóng tên lửa Hwasong-12 tại một địa điểm không được tiết lộ. Ngoại trưởng Úc cho biết Washington lo ngại nếu các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn không bị khống chế thì sẽ có nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương nếu Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên hung hăng và không bị kiềm hãm.

Hãng tin AFP trích lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu hôm 26/5 sau các cuộc hội đàm tại New York.

Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng thử phi đạn trong năm nay, kể cả tên lửa tầm trung Hwasong-12 mà Bắc Hàn nói có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “hạng nặng” trong tháng này, làm dấy lên căng thẳng với Washington.

"Giờ đây Bắc Hàn trở nên hiếu chiến hơn nhiều, đôi khi tấn công, hoặc làm ngơ Trung Quốc.”
Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc

Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân kể từ đầu năm ngoái, và một mực nói rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ mình trước mối đe dọa bị xâm lược.

Hoa Kỳ lo ngại nếu không ngăn chận lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, thì những nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể bị buộc phải tính tới chuyện phát triển khả năng hạt nhân của riêng họ, như một biện pháp phòng vệ.

Ngoại trưởng Julie Bishop nói với tờ The Australian rằng bà đã được nghe về mối lo ngại đó khi tới New York và gặp gỡ đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley.

“Trong các cuộc thảo luận với các quan chức cao cấp ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ, quan điểm chung là nếu Bắc Hàn được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển khả năng hạt nhân”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử của ông hồi năm ngoái, ông Trump nêu lên khả năng Nhật và Hàn Quốc có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Nhật Bản, nước duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử. Nhưng ông Trump sau này rút lại ý kiến này.

Vòng hoa của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đặt tại công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima - nơi từng bị Mỹ thả bom nguyên tử. Nhật Bản được coi là "nhạy cảm với bom nguyên tử" và "sẽ muốn tự trang bị vũ khí hạt nhân để phòng vệ."


Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn nếu nước này ngưng thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo, tuy nhiên Washington cảnh báo vẫn để ngỏ giải pháp can thiệp quân sự, làm dấy lên những lo sợ về nguy cơ xảy ra xung đột.

Ngoại trưởng Bishop nói thông điệp “mạnh mẽ và rõ rệt” của đại sứ Haley là “khi Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi giải pháp, điều đó thể hiện quyết tâm của Mỹ, họ không nói đùa hay nói xuông”. Bà Bishop lưu ý rằng Hoa Kỳ đã điều một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực.

"Nếu Bắc Hàn được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển khả năng hạt nhân”
Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc

Theo Ngoại trưởng Úc thì điều đáng khích lệ là đối tác thương mại chính và đồng minh duy nhất của Bắc Hàn là Trung Quốc, có vẻ đang ngả về phía cộng đồng quốc tế.

Bà nói trong quá khứ Bắc Hàn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh, và là một chi nhánh của đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng giờ đây Bắc Hàn trở nên hiếu chiến hơn nhiều, đôi khi tấn công, hoặc làm ngơ Trung Quốc.”

Hoa Kỳ trong nhiều tuần qua đã thương lượng với Trung Quốc để đi đến một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về một loạt biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng đại sứ Haley tuần trước cho biết hai bên không thỏa thuận về một bản thảo cuối cùng nào.

Ngoại trưởng Bishop thúc giục Bắc Kinh thực thi các biện pháp chế tài mới vì có làm như vậy thì mới có thể buộc Bắc Hàn phải ngồi vào bàn đàm phán.