Hôm thứ Tư 12/6, Hoa Kỳ mở rộng đáng kể các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các công ty có trụ sở ở Trung Quốc bán hàng bán dẫn cho Moscow, đây là một phần trong nỗ lực nhằm làm suy yếu bộ máy quân sự Nga đang tiến hành chiến tranh đánh vào Ukraine.
Trong số các bước đi, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói họ tăng khả năng là sẽ "trừng phạt thứ cấp các tổ chức tài chính nước ngoài giao dịch với nền kinh tế phục vụ chiến tranh của Nga", đe dọa các tổ chức đó sẽ không được tiếp cận hệ thống tài chính Hoa Kỳ.
Bộ cũng nói sẽ tiến tới hạn chế khả năng của cơ sở công nghiệp quân sự Nga trong việc khai thác một số dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm của Hoa Kỳ, và hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm mục tiêu vào hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga và các nước khác, kể cả ở châu Á, châu Âu và châu Phi.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng họ nhắm mục tiêu vào các công ty vỏ bọc ở Hong Kong vì vận chuyển hàng bán dẫn sang Nga, bộ tiến hành các bước sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng ưu tiên cao của Moscow trị giá gần 100 triệu USD, bao gồm cả những con chip.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Thương mại nói với các phóng viên rằng bộ cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng mà Nga không thể nhập khẩu từ các quốc gia khác, không chỉ bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ mà còn cả hàng hóa mang nhãn hiệu Hoa Kỳ, nghĩa là những sản phẩm được sản xuất bằng quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ của Hoa Kỳ.
Tuy nhiều nhà phân tích không kỳ vọng là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các quốc gia khác sẽ làm thay đổi đáng kể các toan tính của Tổng thống Nga Vladimir Putin, song họ tin rằng những biện pháp đó sẽ khiến Moscow gặp khó khăn hơn khi tiến hành chiến tranh và theo thời gian sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Các hành động hôm nay tấn công vào những con đường còn lại của họ để có được nguyên liệu và thiết bị quốc tế, bao gồm cả sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung quan trọng từ các nước thứ ba”.
Bộ Tài chính cũng cho hay họ sắp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cơ quan quan trọng trong cơ sở hạ tầng tài chính của Nga, bao gồm cả Sở giao dịch Moscow (MOEX), nơi vận hành các thị trường đại chúng lớn nhất của Nga về chứng khoán, đầu tư tạo ra thu nhập cố định, ngoại hối và các sản phẩm tài chính khác.
Peter Harrell, từng là giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế thuộc Nhà Trắng vào năm 2021 và 2022, đánh giá rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất là một sự thay đổi bước ngoặt, bao gồm cả khả năng khiến các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ bị cắt khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ nếu họ thực hiện các giao dịch với các ngân hàng lớn chủ chốt của Nga.