Lục quân Mỹ ngày thứ Sáu cho biết họ đã trao hợp đồng trị giá 625 triệu đôla cho Raytheon Technologies sản xuất tên lửa phòng không Stinger để bổ sung kho dự trữ được gửi tới Ukraine.
Tên lửa Stinger phòng không vác vai do Raytheon chế tạo rất được ưa chuộng ở Ukraine, nơi chúng đã giúp ngăn chặn thành công các cuộc tấn công của Nga từ trên không, và ở các nước láng giềng châu Âu, những nước lo ngại rằng họ cũng có thể cần phải đánh trả các lực lượng Nga.
Quân đội Mỹ không sử dụng nhiều tên lửa Stinger hiện tại - một loại vũ khí nhẹ, khép kín, có thể được phóng đi nhanh chóng để phòng vệ chống lại máy bay trực thăng, máy bay, máy bay không người lái và thậm chí cả phi đạn hành trình - nhưng Mỹ cần duy trì nguồn cung sẵn có trong khi phát triển "hệ thống phòng không di động" thế hệ tiếp theo.
Kể từ tháng 2, Mỹ đã vận chuyển khoảng 1.400 tên lửa Stinger đến Ukraine. Các đồng minh của Mỹ cũng muốn tái tích trữ vũ khí mà họ đã chuyển sang Ukraine trong những tháng gần đây.
Hợp đồng sản xuất lên tới 1.468 tên lửa Stinger được trao hôm thứ Tư, theo một văn kiện mà hãng tin Reuters đã xem qua, và trị giá lên tới 687 triệu đôla với các lựa chọn được thêm vào. Không có thời hạn hoàn tất hợp đồng, nhưng ước tính việc giao hàng có thể mất đến 30 tháng.
Chủ tịch Raytheon Missiles & Defense, Wes Kremer, cho biết đơn đặt hàng này sẽ giúp "hoàn thành các đơn đặt hàng quân sự nước ngoài hiện tại của chúng tôi, đồng thời bổ sung tên lửa Stinger cung cấp cho Ukraine và tăng tốc sản xuất."
Lầu Năm Góc cũng đang tìm kiếm tên lửa Stinger hiện đang tồn kho nhưng cần được tân trang lại, theo văn kiện này.