Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện những hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn trong vùng biển gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông đang có tranh chấp. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật.
Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Bob Corker, hôm thứ tư đã lên tiếng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện những hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở Biển Đông trong lúc Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken ra điều trần trước quốc hội. Thượng nghị sĩ Corker phát biểu như sau.
"Cả những tuyên bố lẫn những hoạt động tự do hàng hải đều không răn đe được hoặc làm chậm lại những hoạt động bồi đắp, cải tạo đất của Trung Quốc, kể cả việc bố trí những khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo. Hơn thế nữa, các chuyên gia quân sự nói rằng ngày càng có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và Trung Quốc có thể sẽ thực hiện thêm những hành động gây bất ổn nếu phán quyết của toà án quốc tế đi ngược với quyền lợi của Trung Quốc như dự kiến."
Nhà lập pháp cấp cao này của đảng Cộng hoà đã cùng với các bạn đồng viện đưa ra một dự luật đòi cơ quan hành pháp báo cáo với quốc hội về các kế hoạch hành quân tự do hàng hải và những hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Tại cuộc điều trần hôm thứ tư, Thứ trưởng Ngoại giao Blinken cho biết con số những hoạt động tự do hàng hải mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành ở Biển Đông đã gia tăng trong những năm gần đây và những hoạt động này sẽ tiếp diễn.
Những bài tường thuật của báo chí hồi gần đây, đáng lưu ý là của tờ Washington Post và tờ Wall Street Journal, cho biết Trung Quốc có lẽ đang xem xét tới việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác nữa ở bãi cạn Scarborough mà Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền.
Tin tức cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã phái chiến đấu cơ tới gần bãi cạn Scarbourough ở mạn tây Philippines, nơi mà người ta tin là Trung Quốc đang tiến hành các cuộc khảo sát để chuẩn bị xây đảo.
Những phi vụ đó đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.
Ông Ankit Panda, phó biên tập của tạp chí The Diplomat, nhận định như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.
"Bãi cạn Scarborough mãi cho tới hồi gần đây vẫn còn do Philippines kiểm soát, cho nên bất kỳ hoạt động bồi đắp nào của Trung Quốc ở đó cũng sẽ mang tính chất khiêu khích rất cao. Ngoài ra vụ án tại Toà Trọng tài ở La Haye dự kiến sẽ có phán quyết vào đầu tháng 6 và khi phán quyết được đưa ra, hầu hết các nhà phân tích, kể cả tôi, đều cho rằng nó sẽ bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho Philippines. Và trên cơ bản thì Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất uy tín. Những hành động của họ sẽ bị xem là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó có phần chắc họ sẽ không tiến hành những hoạt động cải tạo, bồi đắp ở Scarborough."
Theo tường thuật của tờ Wall Street Journal, ông Chu Phong, một nhà phân tích an ninh của Đại học Nam Kinh, cũng cho biết ông không loại bỏ khả năng là Trung Quốc sẽ xây một ngọn hải đăng hoặc một trạm quan sát ở bãi cạn Scarborough, nhưng có phần chắc sẽ không tiến hành những hoạt động bồi đắp, cải tạo qui mô lớn.