Mỹ và Nga ngày 26/8 tái tục các nỗ lực nhằm thương thuyết một kết cục hòa bình cho chiến sự ở Syria trong lúc tình hình trở nên phức tạp và mất ổn định hơn với sự xuất hiện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên thực địa.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry và người đồng cấp phía Nga, Sergei Lavrov, đang họp tại Geneve, tìm cách đạt thỏa thuận về hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin để đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tại Syria, điều mà cả đôi bên đều mong muốn.
Trong khi đó, các phần tử nổi dậy ở Syria cùng thân nhân đã bắt đầu di tản khỏi vùng ngoại vi Daraya của thành phố Damascus bị vây hãm lâu nay trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được tối ngày 25/8 với chính phủ, sau 4 năm khu vực này bị vây hãm và không kích khiến trở nên hoang tàn.
Theo thỏa thuận, khoảng 700 tay súng sẽ được phép thoát thân an toàn tới tỉnh Idlib ở phía Bắc do phe nổi dậy kiểm soát và chừng 4 ngàn thường dân sẽ được đưa tới nơi trú tạm nằm ở phía Nam Daraya.
Trong một thông cáo phát hành từ Geneva, đặc sứ Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, kêu gọi các bên bảo vệ dân chúng sơ tán khỏi Daraya. Ông nhấn mạnh quyết định của họ phải trên tinh thần tự nguyện và rằng Liên Hiệp Quốc không cố vấn hay tham dự vào quá trình thương lượng thỏa thuận vừa đạt được giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ.
Về cuộc họp Mỹ-Nga đang gây chú ý, ông De Mistura nói: ‘Chúng tôi vẫn đang làm việc.’ Ông tham gia cuộc hội đàm này vào đầu giờ chiều.
Phát biểu trong giờ giải lao ăn trưa, Ngoại trưởng Nga nhận xét cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ ‘tuyệt vời.’
Khi bắt đầu phiên họp buổi sáng, ông Lavrov đã tránh trả lời câu hỏi của báo chí về trở ngại chính đối với lệnh ngưng bắn ở Syria, chỉ nói rằng: ‘Tôi không muốn làm hỏng bầu không khí của các cuộc thương thuyết.’ Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoàn toàn không đưa ra lời bình luận nào.
Chưa rõ liệu hai nhà ngoại giao hàng đầu này có họp báo sau cuộc hội đàm hay không. Cuộc họp này cũng bao gồm các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Những vòng hội đàm trước đây giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Moscow đã không dẫn tới kết thúc cuộc xung đột ở Syria hiện đang trở nên phức tạp hơn vì sự ủng hộ của Mỹ và Nga dành cho hai phe đối địch. Giao tranh tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 290 ngàn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa suốt hơn 5 năm nay.
Kế hoạch ban đầu của ông Kerry, được loan báo trong cuộc hội đàm vào tháng 7 ở Moscow, sẽ cho phép Washington và Moscow phối hợp những cuộc không kích nhắm vào những chiến binh Nhà nước Hồi giáo và ngăn lực lượng không quân Syria thực hiện thêm bất kỳ cuộc không kích nào nữa.
Cuộc gặp gỡ mới nhất diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao ở Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đầu tuần này quyết định điều xe tăng băng qua biên giới vào Syria để chiếm lại một khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo.
Những chiến binh người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn nói rằng họ đang rút về các căn cứ của mình ở phía đông Sông Euphrates sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và những chiến binh liên minh với họ mở một cuộc tấn công xuyên biên giới. Phiến quân người Kurd vẫn là nguồn gây nên căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ xem phiến quân người Kurd là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem họ là những kẻ khủng bố liên minh với những phe phái người Kurd đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết người Kurd đã di chuyển về phía đông "để chuẩn bị cho việc cuối cùng sẽ giải phóng Raqqa." Tuy nhiên chưa rõ liệu tất cả lực lượng người Kurd đã rút đi hay chưa theo đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc tiến công. Giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, Rami Abdel Rahman, nói với truyền thông Ả-rập rằng những chiến binh dân quân người Kurd vẫn đang chiến đấu ở phía tây Sông Euphrates và thậm chí đã chiếm giữ một số lãnh thổ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Kerry đã điện đàm với ông sáng sớm ngày thứ Năm và cho biết lực lượng người Kurd Syria sẽ rút đi. Phó Tổng thống Joe Biden trong tuần này nói với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng người Kurd sẽ đánh mất sự ủng hộ của Mỹ nếu họ không quay trở lại qua bên kia Sông Euphrates.
Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về hoạt động quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là việc Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu tấn công những chiến binh dân quân người Kurd. Bộ này nói rằng bằng việc nhắm mục tiêu tấn công cả Nhà nước Hồi giáo lẫn người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục thổi bùng cuộc nội chiến ở Syria, dẫn đến "những vụ bùng phát căng thẳng liên sắc tộc giữa người Kurd và người Ả-rập."