Ngay sau khi Việt Nam gia nhập “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Bắc Kinh trong chuyến thăm Hà Nội kéo dài hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam “từ lâu đã là một đối tác quan trọng [của Hoa Kỳ], và mối quan hệ song phương của chúng ta ngày càng sâu sắc hơn”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết như trên hôm 14/12 qua email nhưng không đề cập đến Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và là cường quốc thứ hai trên thế giới.
“Khi chúng ta khảo sát những thách thức chung, ở khắp mọi nơi từ Biển Đông đến các công nghệ quan trọng và mới nổi, hai quốc gia của chúng ta chưa bao giờ có nhiều điểm chung hơn thế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
“Hoa Kỳ và Việt Nam có chung ý thức về mục đích và tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và cởi mở, trải dài từ sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi về di sản chiến tranh và các vấn đề nhân đạo đến an ninh khu vực, thịnh vượng chung, hợp tác sâu sắc hơn trong việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng khí hậu, bệnh truyền nhiễm, buôn lậu ma túy và động vật hoang dã, tăng cường hợp tác hàng hải và chống tội phạm xuyên quốc gia”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Việt Nam và Trung Quốc ký tuyên bố chung dài 16 trang và 36 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, thương mại và an ninh, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từ ngày 12 đến 13/12.
Một nửa số thỏa thuận được ký kết trong tuần này bởi hai quốc gia do Cộng sản cai trị là không mang tính ràng buộc, theo Reuters hôm 15/12. Nội dung của các thỏa thuận này không được công khai, chỉ nêu tên như hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, hiệp định về phòng, chống tội phạm, hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới, bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới…
Nhắc lại trọng tâm của chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9 của Tổng thống Mỹ, người phát ngôn nói: “Trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử tới Hà Nội, Tổng thống Joseph R. Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việc nâng cấp từ Quan hệ Đối tác Toàn diện này càng củng cố thêm tính năng động của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam khi cả hai nước cùng hợp tác để đạt được các mục tiêu chung là hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững”.
Your browser doesn’t support HTML5
Hôm 14/12, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng chuyến công du Việt Nam vừa qua của ông là ‘đỉnh cao thành công của nỗ lực ngoại giao’ của Bắc Kinh trong năm 2023.
“Chuyến thăm thành công này có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước”, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo hôm 15/12.
“Phía Việt Nam nhấn mạnh rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể đóng góp vào tất cả các ưu tiên của ngoại giao Việt Nam và việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra, không bị quấy rối, không bị phá hoại bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào. Điều này đặt nền tảng chính trị vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai”, bà Mao nói thêm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Mỹ.
XEM THÊM: Thấy gì từ việc Mỹ và Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên gần gũi?Ý kiến của giới quan sát
Các chuyên gia cho VOA biết rằng họ hoài nghi về định vị ngoại giao mới giữa Bắc Kinh và Hà Nội vừa được công bố rộng rãi trong tuần này, cho rằng Việt Nam khó có thể có những thay đổi từ một chính sách đối ngoại cân bằng như hiện nay, dù Việt Nam vừa đạt quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện gần đây với cả Mỹ và Nhật Bản, nâng hai nước này ngang tầm với Trung Quốc trong thang bậc ngoại giao của Hà Nội.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia các vấn đề quốc tế của Việt Nam, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak Singapore, nêu nhận định với VOA rằng thế cân bằng của Việt Nam luôn luôn được đảm bảo trong quan hệ với các đối tác chiến lược toàn diện bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc.
“Đường lối đối ngoại của Việt Nam là đi theo tất cả các hướng để tìm ra một sự cân bằng tốt nhất về mặt an ninh, kinh tế. Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tương đối ngang bằng với quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, nó không có ảnh hưởng, tác động gì đến các nước kia.
“Mối quan hệ [của Việt Nam] với Trung Quốc cũng không làm Việt Nam rời xa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…mà nó nằm trong một thế gọi là: Việt Nam quan hệ bằng nhiều chân kiềng mà từ chân kiềng như thế tạo ra thế cân bằng về mặt an ninh…”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Thụy Hưng nêu nhận định:
“Ngay trước khi Tập Cận Bình sang là có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ và hai bên ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện. Chính vì vậy mà Tập Cận Bình sang đây, có vẻ như muốn con cháu Việt Nam phải nhún nhường hơn, không để Việt Nam xa rời quá sang phía Mỹ.
“Những nhà lãnh đạo Việt Nam không phải là không biết vấn đề đe dọa chủ quyền đất nước từ phương Bắc, cho nên chính sách “ngoại giao cây tre” phải luôn được giữ ở một thế nào đó để không mất chủ quyền, độc lập, nhưng cũng không gây căng thẳng không cần thiết”.