Hải quan Hoa Kỳ mới đây tuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Theo công bố của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam bị phát hiện vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhiều nhất trên thế giới trong năm ngoái, cũng như kể từ khi luật này được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 2021.
Đạo luật UFLPA cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Hoa Kỳ. Hành động này là câu trả lời cho các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 1/2024, CBP công bố số liệu thống kê thực thi Đạo luật UFLPA cho thấy tính đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có giá trị sản phẩm lớn nhất bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, cao hơn của Malaysia và Trung Quốc kể từ khi luật này được thực thi.
Theo cơ quan này, họ từ chối thông quan 1.197 lô hàng, trị giá 220,3 triệu USD từ Việt Nam từ tháng 6/2022 đến ngày 4/12/2023 do vi phạm UFLPA. Malaysia có 454 lô hàng, trị giá 164 triệu USD bị từ chối trong khi Trung Quốc có 808 lô hàng, trị giá 69 triệu USD bị từ chối.
Riêng các sản phẩm may mặc, giày dép và dệt may của Việt Nam bị phát hiện vi phạm trị giá 19,14 triệu USD, trong đó 10,22 triệu USD bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Con số này của Trung Quốc là 17,70 triệu USD hàng hóa bị phát hiện vi phạm, trong đó 1,91 triệu USD hàng hóa bị từ chối.
Các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam bị hải quan Mỹ từ chối nhập khẩu theo Đạo luật này bao gồm điện tử (704 lô), vật liệu công nghiệp và chế biến (391 lô), dệt may-giày dép (242 lô).
VOA đã liên lạc Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các con số thống kê trên của CBP, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA qua email, bà Rushan Abbas, người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs) có trụ sở tại Virginia, cho biết rằng Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu từ Đông Turkistan, tên gọi của người Duy Ngô Nhĩ cho Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, sang các nước láng giềng, bao gồm cả Việt Nam, và đã sử dụng chiến thuật nhằm che giấu nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm.
“Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình”, bà Abbas nhận xét. “Số liệu thống kê của CBP Hoa Kỳ cho thấy Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
“Báo cáo này trình bày một diễn biến rất đáng chú ý rằng hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương đang ngày càng được chuyển hướng sang Việt Nam để tái xuất khẩu sang Mỹ”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định qua email với VOA.
Đại diện của HRW đánh giá thêm: “Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Hoa Kỳ đã nói về việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng bằng cách chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng điều đó không đơn giản như vậy. Những chuyển hướng này là không thể chấp nhận được và Hoa Kỳ cần sử dụng mối quan hệ song phương mới được nâng cấp với Việt Nam để gây sức ép với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhằm ngăn chặn những hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức được vận chuyển từ cảng của họ sang Mỹ”.
Hồi tháng 4/2023, hãng tin Reuters cho hay các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, với gần 90.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.
Theo Đạo luật UFLPA, có hiệu lực từ tháng 6/2022, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Reuters dẫn lời ông Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, Mỹ, nói: “Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, người theo dõi các chính sách kinh tế-xã hội ở Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA:
“Có một số công ty nhập sợi, vải, nguyên liệu để làm hàng dệt may… có thể người ta không để ý đến những quy định của Mỹ. Khi Mỹ giám sát thực thi luật pháp của họ thì họ phát hiện ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam vi phạm đạo luật UFLPA. Đây là một cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam có dùng nguyên liệu thô hay bán thành phẩm liên quan đến hay có xuất xứ từ những vùng bị Mỹ cấm”.
Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, nói với VOA rằng từ dữ liệu của hải quan Mỹ có thể cho thấy một điều là doanh nghiệp ở Việt Nam đã mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc và sau đó sử dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam qua hình thức gia công để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam không thực hiện điều này”, ông Khanh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận thấy điều này, nhưng nói rằng : “Tôi không nghĩ rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc để lách quy định của Mỹ”, vì theo ông vẫn chưa thấy có thống kê đầy đủ trong số hàng bị từ chối có bao nhiêu phần trăm hàng hóa do doanh nghiệp Trung Quốc có chi nhánh ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Khanh cho rằng điều cần thiết là các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng bông của họ khỏi nguồn cung cấp từ Trung Quốc bằng cách sử dụng nhiều hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ.