Mỹ nói tập trận quân sự với Philippines là 'hoàn toàn mang tính phòng thủ'

Hệ thống phi đạn Typhon tại Sân bay Quốc tế Laoag, ở Laoag, Philippines, ngày 26 tháng 4 năm 2024, trong ảnh chụp từ vệ tinh.

Các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines đã có từ lâu, "hoàn toàn mang tính phòng thủ" và nhằm mục đích duy trì tính sẵn sàng của lực lượng và bảo vệ an ninh khu vực, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Phát ngôn viên này trả lời trong một email yêu cầu bình luận sau khi bộ quốc phòng Trung Quốc ngày thứ Sáu kêu gọi Manila rút đi phi đạn tầm trung xa Typhon của Mỹ.

Các giàn phóng Typhon, một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tích lũy kho vũ khí chống hạm ở Châu Á, có thể bắn phi đạn đa năng ở khoảng cách lên tới hàng ngàn kilômét.

Việc triển khai tạm thời các năng lực phi đạn của Mỹ tại Philippines là để ứng phó các mối đe dọa ngày càng nhiều, nhằm duy trì tính sẵn sàng của lực lượng và giữ gìn an ninh và ổn định của khu vực cho tất cả mọi người, người phát ngôn nói.

"Các hệ thống này của Hoa Kỳ được thiết kế để được trang bị vũ khí thông thường và không được thiết kế để sử dụng đầu đạn hạt nhân," người phát ngôn nói thêm.

Bắc Kinh đã triển khai phi đạn đạn đạo tầm trung và tầm trung xa có thể vươn tới 3.000 km, hoặc 5.000 km bao gồm cả phi đạn có năng lực kép cho mục đích sử dụng hạt nhân và thông thường, và đang phát triển và triển khai thêm nhiều hệ thống như vậy, theo người phát ngôn.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Philippines nuốt lời hứa khi đưa vào sử dụng hệ thống phi đạn mà họ gọi là "vũ khí tấn công chiến lược."

Philippines nói hệ thống phi đạn Typhon chỉ nhằm mục đích phòng thủ và quốc gia Đông Nam Á này chưa bao giờ hứa sẽ rút nó đi.

Phi đạn hành trình Tomahawk trong giàn phóng có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc hoặc Nga từ Philippines, trong khi tên lửa SM-6 mà nước này cũng mang theo có thể tấn công các mục tiêu trên không hoặc trên biển cách xa hơn 200 km.