Chính quyền của Tổng thống Trump đang sửa đổi một quy định quan trọng về miễn trừ trong luật phòng vệ thương mại của Mỹ, để Mỹ dễ dàng xử phạt hơn đối với khoảng 20 nền kinh tế lâu nay được xem là “đang phát triển”, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hong Kong, Ấn Độ và Singapore.
Theo thông báo của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), hôm 10/2, Mỹ đã cắt ngắn danh sách riêng về các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.
Với động thái này, Mỹ hạ thấp mức chuẩn để kích hoạt điều tra về việc các quốc gia có làm hại các ngành công nghiệp Mỹ bằng cách xuất khẩu hàng được trợ giá bất công hay không.
Bằng hành động kể trên, Mỹ đã loại bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho một loạt các nền kinh tế tự nhận là “đang phát triển”, bao gồm Việt Nam, Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Colombia, Costa Rica, Georgia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Rumani, Ukraine, và Nam Phi.
USTR nói việc thay đổi phương pháp đánh giá quốc gia đang phát triển liên quan đến điều tra để đánh thuế chống bán phá giá là quyết định cần thiết, vì bộ tiêu chuẩn trước đây của Mỹ - có từ năm 1998 - giờ đây đã lỗi thời.
Diễn biến mới và đáng chú ý này đánh dấu việc Mỹ từ bỏ chính sách thương mại đã có 2 thập kỷ qua liên quan đến các quốc gia đang phát triển, và có thể dẫn đến các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, trong đó có Việt Nam.
Động thái này cũng phản ánh sự bất bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được phép nhận các ưu đãi thương mại với tư cách là các quốc gia đang phát triển trong Tổ chức Thương mại Thế giới.
Một số quốc gia bị loại khỏi danh sách trong thông báo của USTR, bao gồm Brazil, Singapore và Hàn Quốc, đã chủ động đồng ý từ bỏ quyền của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Mỹ.
(SCMP, Business Standard)