Mỹ tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam liên quan tới Nga và “hoàn toàn dốc sức” cho tương lai chung của hai nước, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ phát biểu hôm thứ Bảy tại Hà Nội, hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin rời đi sau một chuyến thăm cấp nhà nước nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước.
Mỹ và Nga hiện đang đối đầu ngày càng gay gắt về cuộc chiến tranh mà ông Putin phát động vào năm 2022 nhắm vào Ukraine, với quan hệ giữa hai cường quốc này đã xuống thấp tới mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Việt Nam duy trì quan hệ hữu hảo với cả Moscow lẫn Washington và xem cả hai đều là đối tác chiến lược toàn diện của mình.
Dù chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga khơi lên những chỉ trích từ phía Mỹ, Mỹ nói vẫn xem trọng mối quan hệ đang có với Việt Nam và vẫn tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ đó.
“Chúng tôi hết sức tôn trọng Việt Nam. Chỉ Việt Nam mới có thể quyết định làm sao để giữ gìn chủ quyền và thăng tiến những lợi ích của mình một cách tốt nhất,” Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nói trong một cuộc họp báo hôm 22 tháng 6 khi được yêu cầu bình luận về chuyến thăm của ông Putin.
“Điều tôi tự tin là Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bao giờ đồng lòng hơn lúc này về viễn kiến chung cho khu vực và thế giới mà chúng ta muốn sống trong đó.”
“Chúng tôi hoàn toàn dốc sức vào thành công của Việt Nam, vào tương lai chung của người dân hai nước chúng ta,” ông nói thêm.
Ông Kritenbrink đến Việt Nam hôm 21 tháng 6 để tái khẳng định cam kết của Mỹ đối việc thực thi Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước đã đồng ý khi Tổng thống Joe Biden đến thăm vào tháng 9 năm ngoái, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, lưu ý rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng thương mại hiện nay đạt tới mức cao nhất từ trước tới nay vào khoảng 124 tỉ đôla.
Một cấu phần trọng yếu khác của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là đầu tư của Mỹ vào việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Kritenbrink nói đây là một trong những khía cạnh hợp tác sẽ mang lại lợi ích hữu hình cho cả hai nước.
“Tôi nghĩ khi nhìn vào tương lai của nền kinh tế thế giới, nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực bán dẫn,” ông nói. “Và tôi nghĩ một số công tác chúng ta đang thực hiện trong những lĩnh vực đó có lẽ là một trong những công tác quan trọng nhất xuất phát từ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.”
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam bãi bỏ quy chế nền kinh tế phi thị trường, ông Kritenbrink nói đây là quy trình về mặt quản lý và pháp lý mà bộ đảm trách và không nói một kết luận có lợi cho Việt Nam liệu sẽ được bộ đưa ra hay không.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã ráo riết vận động để Mỹ xem xét lại viẹc nước này phân loại Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường. Một sự định danh như vậy nghĩa là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Thương mại Mỹ đã nói họ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam “một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ” và sẽ đưa ra quyết định vào tháng 7.
“Tôi cho rằng mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Việt Nam chưa bao giờ quan trọng hơn so với lúc này. Và tầm quan trọng của mối quan hệ đó sẽ chỉ tiếp tục phát triển,” ông Kritenbrink nói.