Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi thông qua một thỏa thuận quan trọng tại hội nghị LHQ về khí hậu ở Paris, và thông báo hôm nay rằng Hoa Kỳ dự trù tăng gấp đôi khoản tiền dành cho các trợ cấp để thích nghi với khí hậu cho các nước đang phát triển.
Ông Kerry cho biết Hoa Kỳ sẽ dành hơn 800 triệu đôla trợ cấp cho đến năm 2020 – trong khuôn khổ một lời hứa mà các nước giàu đã đưa ra là sẽ cùng góp phần vào quỹ 100 triệu đôla mỗi năm từ nay đến năm 2020 để tài trợ về khí hậu.
Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không để những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta phải chịu đựng một mình. Chính quyền Obama có cam kết giúp các nước yếu chuẩn bị, và xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu.”
Tài trợ về khí hậu đã là một vấn đề chủ yếu trong các quốc gia đang phát triển tại các cuộc đàm phán ở Paris.
Thời tiết khắc nghiệt
Ông Kerry cho rằng đây là thời điểm để hành động về biến đổi khí hậu, viện dẫn tình hình thời tiết nguy hiểm phá kỷ lục đang “trở thành bình thường,” như nhiệt độ trung bình cao hơn và lụt lội.
Ông Kerry nói, “Không cần phải là nhà khoa học mới nhìn thấy được là hành tinh của chúng ta đang thay đổi qua nhiều cách thực sự và có thể đo lường được.” Ông nêu ra rằng nhiệt độ trong thập niên vừa qua đã lên đến mức cao nhất ghi nhận được, và “tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng ghi nhận được.”
Ông Kerry nói những biến cố nghiêm trọng về thời tiết, như vụ lụt lội mới đây ở Chennai, Ấn Độ, và những vấn đề liên tục về khói mù ở Bắc Kinh, “là những dấu hiệu cảnh báo rằng không một người tỉnh táo nào có thể bỏ qua.” Ông nói đạt được một thỏa thuận ở Paris “có thể là cơ may tốt nhất chúng ta có để chỉnh sửa hướng đi của hành tinh chúng ta.”
Những người hoài nghi về biến đổi khí hậu
Hôm qua, người đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ đã thay mặt chính quyền Mỹ đưa mức độ chỉ trích những người còn nghi ngờ về tình trạng biến đổi khí hậu lên một mức độ mới, gọi những người bác bỏ khoa học dòng chính về khí hậu là “điên rồ.”
Phát biểu tại một cuộc họp của Quỹ LHQ về các đại dương trên thế giới, ông Kerry nói sự kiện những người nghi ngờ không chịu thừa nhận mối đe dọa của mực nước biển dâng cao là “xúc phạm đến tất cả những điều chúng ta đã học ở cấp trung học về khoa học.”
Lời lẽ gay gắt của ông Kerry phản ánh sự bất bình của chính quyền Hoa Kỳ vào lúc đang bị kẹt trong một vụ tranh chấp với Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo về việc cấp ngân khoản để Tổng thống Barack Obama thực hiện lời hứa đóng góp hàng tỷ đôla vào Quỹ Khí hậu Xanh.
Thỏa thuận về khí hậu
Những điểm gai góc trong các cuộc đàm phán – cao điểm của nhiều năm LHQ nỗ lực chống tăng nhiệt toàn cầu –bao gồm mức độ ràng buộc về pháp lý của thỏa thuận, và những gì các nước giàu phải làm để giúp các nước nghèo thích nghi và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Các cuộc đàm phán dự trù kết thúc vào ngày thứ sáu.
Đến tham dự các cuộc đàm phán hôm thứ hai, ông Kerry nói ngay cả nếu như không có các mục tiêu ràng buộc, thỏa thuận vẫn có thể thay đổi cách thức doanh nghiệp thế giới suy nghĩ về năng lượng.
Ông Kerry nói, “Tôi tuyệt đối tin tưởng vào khả năng chuyển tư bản đến nơi mà thị trường bật đèn xanh sau Paris.”
Các vị ngoại trưởng và bộ trưởng về môi trường đã tham gia các cuộc đàm phán sau khi các nhà thương nghị cấp thấp hơn họp trong tuần trước đệ trình một dự thảo thỏa thuận với nhiều chọn lựa bỏ ngỏ.