Một số tổ chức nhân quyền quan ngại về mối quan hệ có thể có giữa quân đội Mỹ và một đơn vị lực lượng đặc biệt Indonesia vốn được xem có dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Timor, Aceh, vả Papua.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố sẽ thăm dò khả năng mở lại các mối quan hệ với đơn vị có tên là Kopassus dù việc này hiện bị cản trở theo Luật Leahy, được Thượng nghị sĩ bang Vermont Patrik Leahy thuộc đảng Dân chủ bảo trợ, qui định là Bộ Ngoại giao và quân đội bị cấm không được hỗ trợ cho bất cứ lực lượng an ninh nước ngoài nào đã vi phạm nhân quyền mà “không bị trừng phạt.”
Thượng nghị sĩ Leahy nói vào tuần trước, “Viện trợ của Hoa Kỳ truyền đạt tính chính đáng và thừa nhận có sự tôn trọng chung về công lý và nhân quyền.”
“Câu hỏi Bộ trưởng Mattis cần trả lời là liệu chính phủ Indonesia đã trừng phạt các sĩ quan Kopassus đã ra lệnh và che dấu những tội phạm khủng khiếp này hay không, và liệu các thành viên Kopassus hiện nay có chịu trách nhiệm về việc cai trị theo luật pháy hay không.”
Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu cao cấp của Human Rights Watch nói “Tất cả các siêu cường, trong đó có Hoa Kỳ, có nghĩa vụ đạo đức làm cho thế giới chúng ta tốt đẹp hơn.” Ông chỉ trích khả năng đối tác với Indonesia “khôi phục viện trợ cho Kopassus là tưởng thưởng cho Indonesia vì đã không làm gì cả.”
Bộ trưởng Mattis thăm Indonesia tuần qua, chứng kiến một cuộc biểu diễn ngoạn mục của quân đội nước này như uống máu rắn, đi trên lửa, lăn trên thủy tinh, và trình diễn cứu con tin theo nhạc chủ đề của phim “Mission Impossibe.”
Kopassus viết tắt là "Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt” theo tiếng Indonesia, được thành lập vào năm 1952 và hoạt động của lực lượng bao gồm chiến tranh không qui ước, phá hoại và tình báo. Lực lượng này nổi tiếng về những vi phạm nhân quyền tại Đông Timor trong thời gian Indonesia chiếm đóng đảo quốc này (chấm dứt vào năm 1999) và cuộc bạo loạn chủng tộc năm 1998 tại Jakarta, khi Kopassus có liên hệ đến những vụ giết người và bạo động chống lại người Indonesia gốc Trung Quốc. Lực lượng này mạnh nhất trong thời gian cai trị của nhà độc tài Suharto. Ông này bị lật đổ vào năm 1998, và kể từ đó vị thế của đơn vị này sút giảm trong kỷ nguyên dân chủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu bày tỏ hy vọng là Hoa Kỳ sẽ đảo ngược các chế tài đối với đơn vị này về những vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Timor, khi nước này tranh đấu đòi độc lập vào cuối những năm 1990.
Ông Mattis nói với các phóng viên tại Jakarta là quân đội sẽ duyệt lại “các thủ tục” để cứu xét việc mở lại các quan hệ với Kopassus.
Chuyến đi của ông Mattis đến Indonesia diễn ra sau khi ông đưa ra chiến lược củng cố quân đội các nước đồng minh để đối đầu với sức mạnh của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên không chắc là Indonesia sẽ đứng về bên nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc .