Ông Peter Navarro, một kinh tế gia có quan điểm ‘chống’ Trung Quốc, đã được ông Trump đề cử làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại Tòa Bạch Ốc hôm 21/12. Ông Navarro là đồng tác giả của cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” có nội dung chỉ trích các chính sách của Trung Quốc, từ thao túng tiền tệ cho đến các sản phẩm tiêu dùng độc hại ‘chết người’.
Trong lời tựa của bộ phim tài liệu dựa trên cuốn sách, ông Navarro kêu gọi người xem "giúp bảo vệ nước Mỹ và gia đình của mình bằng cách không mua hàng ‘Made in China’”.
Việt Nam cũng từng có một làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc từ giữa năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 của họ vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình. Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã kêu gọi thay đổi hình đại diện như biểu tượng tẩy chay hàng Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore chia sẻ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng, nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ tiến hành ‘phản công’ trong cuộc ‘chiến tranh thương mại’ với Trung Quốc.
Ông Hiệp nhận định: “Trung Quốc chắn chắn là lạnh gáy rồi. Việt Nam thì có lẽ nên vừa mừng vừa lo. Theo logic chống Trung Quốc đó của Trump hay Navarro, thì có lẽ TPP vẫn còn có hi vọng, dù dưới một hình hài khác so với hiện nay. Ngoài ra, Trung Quốc mất thị phần ở Mỹ thì có thể các nước khác, bao gồm Việt Nam, sẽ có cơ hội. Còn về tổng thể, Mỹ cứng rắn về kinh tế với Trung Quốc thì cũng là một chỉ dấu báo hiệu Mỹ cũng sẽ cứng rắn trên các mặt trận khác”.
Nhận định với VOA về việc Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào nếu xảy ra cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ) cho biết: “Tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng có lợi chứ không phải bất lợi đối với Việt Nam. Việt Nam nếu vì quyền lợi của mình mà chấp nhận một số cải cách thì có thể thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc về cả kinh tế lẫn an ninh vào Trung Quốc.”
Ông Trump từng cáo buộc Việt Nam ‘đánh cắp’ việc làm của người Mỹ và nhận xét TPP sẽ “buộc công nhân Mỹ phải trực tiếp cạnh tranh với công nhân từ Việt Nam, một trong các quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng, trong chiến dịch tranh cử cả ông Trump lẫn bà Clinton đều nêu lên những bất lợi của hiệp ước TPP:
“Một trong những bất lợi của hiệp ước TPP là giúp cho các nước nghèo, mà nước nghèo nhất lại có lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia vào TPP chính là Việt Nam. Nhưng ngoài Việt Nam thì ông Trump cũng đả kích luôn cả Ấn Độ, Mexico… và đả kích cả Trung Quốc, nên tôi không cho rằng ông ấy có mối thù hay bực bội gì với Việt Nam. Thực sự Việt Nam là ‘con mắt muỗi’ so với tình hình kinh tế của Mỹ, nên không phải vì lý do đó mà có chính sách đặc biệt, bất lợi cho Việt Nam. Cái đối sách cứng rắn đó là cho Trung Quốc và tôi nghĩ đó lại là điều có lợi cho Việt Nam.”
Ông Nghĩa cho biết thêm, nếu Việt Nam có thể cải thiện được xuất xứ hàng hóa trong chu trình cung cấp, ví dụ như mua nguyên vật liệu của Trung Quốc và sản xuất với giá trị gia tăng rất thấp để bán sang Mỹ - mà việc này có thể sẽ bị ngăn chặn, thì vẫn có hy vọng thành công trên thị trường Mỹ.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói ông Peter Navarro là một trong những người đầu tiên nói lên những bất toàn của hệ thống thương mại tự do trên thế giới khiến cho nước Mỹ bị thiệt hại. Do đó, việc ông Trump đề cử ông Navarro đứng đầu hội đồng thương mại cho thấy chính sách thay đổi của nước Mỹ trên toàn thế giới trong các quan hệ thương mại.
Theo phân tích của kinh tế gia này, ông Navarro là người đã theo dõi tình hình Trung Quốc từ lâu và đã nhận ra những bất lợi đối với nước Mỹ, vì vậy khi có những người như ông Navarro tham gia vào hệ thống quyền lực và ban tham mưu nội các của ông Trump thì có thể Mỹ sẽ có chính sách dứt khoát hơn đối với Trung Quốc nhưng ‘quan trọng nhất là ý chí có quan hệ cứng rắn hơn với Trung Quốc xuất phát từ ông Donald Trump chứ không phải từ ông Peter Navarro’.