Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia “trọng tâm” của báo cáo về buôn bán động vật hoang dã mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, vì vẫn bị xem là một nguồn cung cấp chính và điểm trung chuyển buôn bán động vật hoang dã của thế giới.
Báo cáo “2021 END Wildlife Trafficking” (Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã) của BNG Mỹ đưa ra hôm 4/11 cho biết rằng Việt Nam nằm trong số 28 quốc gia được xem là “trọng tâm” sau khi không đạt được tiến bộ trong việc cải thiện luật pháp hoặc thực thi các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau khi tham vấn với Bộ Nội vụ và Bộ Thương mại cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), họ đã nhất trí rằng tất cả 28 quốc gia được liệt kê là “quốc gia trọng tâm” trong Báo cáo Đạo luật END 2020, trong đó có Việt Nam, vẫn nên tiếp tục nằm trong danh sách này.
Theo báo cáo do Cục Đại dương, Môi trường và Khoa học thuộc BNG Mỹ, mỗi quốc gia được liệt kê trong nhóm “trọng tâm” trước đây tiếp tục hoặc là một nguồn cung cấp chính các sản phẩm buôn bán động vật hoang dã hoặc các phó phẩm của chúng, hoặc là một điểm trung chuyển chính của các sản phẩm buôn bán động vật hoang dã hoặc các phó phẩm của chúng, hoặc là một nước tiêu thụ các sản phẩm này.
Báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ, nơi xem xét các khoản viện trợ của Hoa Kỳ đối với các nước đối tác trên thế giới. Việt Nam nằm trong số các nước nhận viện trợ từ Mỹ, với tổng cộng hơn 1,8 tỷ USD trong 20 năm qua, theo USAID.
Từ năm 2017, một lực lượng đặc nhiệm về buôn bán động vật hoang dã do những người đứng đầu các bộ Ngoại giao, Nội vụ và Tư pháp Mỹ tập hợp 17 bộ và các cơ quan chính phủ liên bang để tiến hành Chiến lược Quốc gia Chống Buôn bán Động vật Hoang dã. Lực lượng này đánh giá liệu các chính phủ trên thế giới có thực hiện các bước để cải thiện luật pháp, quy định và/hoặc thực thi các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã trái phép hay không, theo BNG Mỹ.
Có 26 quốc gia ban đầu được xác định là “trọng tâm” trong báo cáo năm 2017 và 2018. Báo cáo năm 2019 liệt kê thêm hai quốc gia vào danh sách này. Báo cáo năm 2020 và 2021 giữ nguyên 28 quốc gia trong danh sách “trọng tâm.”
Việt Nam được xem là một điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã, theo nhận định của các chuyên gia bảo tồn và các bộ ngành Tài nguyên Môi trường đưa ra tại một buổi toạ đàm trực tuyến kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã được báo Lao Động ghi nhận đầu tháng 9 năm nay. Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) năm 2019 được báo này trích dẫn cho biết Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái phép trong giai đoạn từ 2004-2019. Trong số đó có hơn 105 tấn ngà voi, 1,69 tấn sừng tê giác và các sản phẩm khác của hổ và tê tê, những thứ mà người Việt Nam tin là giúp chữa bệnh và hỗ trợ sức khoẻ.
USAID trong 5 năm trở lại đây đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam cải thiện và làm hài hoà hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật cũng như truy tố tội phạm về động vật hoang dã nhằm làm giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm này. Theo một thông cáo của USAID đưa ra hồi tháng 8, tỷ lệ truy tố cho việc bắt giữ vì vi phạm động vật hoang dã tại Việt Nam tăng từ 25% vào năm 2018 lên 75% vào năm 2021. Vẫn theo USAID, tỷ lệ người mua ngà voi giảm từ 16% vào năm 2018 xuống 9% vào năm 2021, và tỷ lệ người mua sừng tê giác và vẩy tê tê cũng giảm từ 8% vào năm 2018 xuống 6% vào năm 2021.
Tuy nhiên những nỗ lực này của Việt Nam dường như chưa đủ để được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước “trọng tâm.” Việc chỉ định này, theo BNG Mỹ, sẽ góp phần làm tăng sự chú ý tới việc chống buôn bán động vật hoang dã ở các quốc gia được xem là “trọng tâm.” Trong số 28 quốc gia trọng tâm, BNG Mỹ xác định 6 nước, gồm Campuchia, Cameroon, Cộng hoà Dân chủ Congo, Lào, Madagascar và Nigeria, là những nước “đáng quan ngại”.
BNG Mỹ cho rằng việc buôn bán động vật hoang dã tiếp tục là một hoạt động tội phạm nghiêm trọng xuyên quốc gia, đe doạ an ninh, thịnh vượng kinh tế, luật lệ, những nỗ lực bảo tồn lâu dài, và cả sức khoẻ của con người.