Ngày 13/2, Hoa Kỳ mô tả việc Myanmar phủ nhận thanh lọc sắc tộc Hồi Giáo Rohingya là “lố bịch” và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc qui trách nhiệm cho quân đội Myanmar và làm áp lực để nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi “công nhận những hành vi khủng khiếp xảy ra tại nước bà.”
“Các lực lượng nhiều quyền lực trong chính phủ Miến Điện đã phủ nhận việc thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói với Hội đồng Bảo an.
“Để đảm bảo là không có ai làm ngược lại việc phủ nhận lố bịch của họ, những người này đang ngăn cản việc tiếp cận bang Rakhine của bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào có thể làm chứng về việc tàn sát của họ kể cả Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc,” bà Haley nói.
Tuy nhiên việc thúc đẩy hành động của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chắc chắn gặp phải sự chống đối của các cường quốc có quyền phủ quyết tại hội đồng là Nga và Trung Quốc. Hai nước này đều nói vào ngày 13/2 là tình hình tại bang Rakhine ổn định và kiểm soát được.
“Gán nhãn hiệu và nỗ lực dùng những phúc trình mâu thuẫn và chủ quan của truyền thông…để tìm ra ai có tội và kết án họ chỉ đưa chúng ta rời xa một giải pháp,” phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy cảnh báo.
Gần 690.000 người Rohingya đã trốn thoát khỏi bang Rakhine và vượt sang Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái, khi các phần tử nổi dậy tấn công vào các đồn an ninh gây ra một vụ đàn áp của quân đội mà Liên hiệp quốc gọi là có thể lên đến mức diệt chủng.
“Điều kiện chưa thích hợp để những người tị nạn Rohingya tự nguyện trở về Rakhine,” Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc Filippo Grandi nói với Hội đồng Bảo an.
Myanmar phủ nhận việc thanh lọc sắc tộc.
Myanmar nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không nên đến thăm vào tháng 2 vì “không phải là thời đểm thích hợp,” Đại sứ Kuwait tại Liên hiệp quốc Mansour Ayyad Al-Otaibi nói trong tháng này. Tuy nhiên Đại sứ Myanmar tại Liên hiệp quốc Hau Do Suan nói một số nhà ngoại giao khác đã có thể đến thăm bang Rakhine.
Phúc trình đặc biệt của Reuters được công bố vào tuần qua, đưa ra những sự kiện dẫn đến việc giết hại 10 người đàn ông Rohingya thuộc làng Din, bang Rakhine được chôn trong ngôi mộ tập thể sau khi bị chém chết hay bị bắn bởi những người láng giềng Phật Giáo và binh sĩ.
Đại sứ Hau Do Suan nói một cuộc điều tra của quân đội Myanma, được gọi là Tatmadaw phát hiện là 10 phần tử hiếu chiến thuộc Đội quân Cứu tế Arakan Rohingya bị bắt tại Inn Din và bị xử tử và chôn một ngày sau đó.
Đề cập đến 2 phóng viên Reuters bị bắt vì tường trình về người Rohingya, ông Hau Do Suan nói Myanmar công nhận tự do báo chí và nhà báo không bị bắt vào tháng 12 vì tường trình một câu chuyện, nhưng bị cáo buộc vì “sở hữu bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ.”
Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan và Kazakhstan đều kêu gọi trả tự do cho các nhà báo Reuters trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 13/2.