Myanmar: Người biểu tình lên án các vụ bắt bớ, hành hung

Người biểu tình giăng biểu ngữ, giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, ngày 12/5/2021.

Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng và bắt giữ khoảng 30 người tại một cuộc biểu tình chống đảo chính ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar hôm 12/5, khi những người biểu tình bất chấp chiến dịch đàn áp kéo dài nhiều tháng của tập đoàn quân sự cầm quyền đang chật vật khôi phục lại trật tự.

Hỗn loạn nổ ra ở Mandalay, một điểm nóng chống đối quân đội, khi cảnh sát mặc thường phục xuất hiện từ nhiều chiếc xe giữa cuộc biểu tình, xả súng và đánh đập nhiều người biểu tình khiến hàng trăm người tháo chạy, bốn nhân chứng cho biết họ đã chứng kiến khoảng 30 người bị bắt giữ.

Aung Pyae Sone Phyo, 21 tuổi, một lãnh đạo biểu tình, nói với Reuters: “Không có từ ngữ nào để mô tả sự tàn ác của họ. "Họ sử dụng vũ lực áp đảo để trấn áp chúng tôi." Nhưng anh nói thêm:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đang làm cho tới khi cuộc cách mạng của chúng tôi dành được thắng lợi."
Aung Pyae Sone Phyo, lãnh đạo biểu tình 21 tuổi

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi các cuộc biểu tình và bạo lực chết người từ khi quân đội giành chính quyền từ tay của một chính phủ dân cử hôm 1/2, khiến dư luận phẫn nộ và quốc tế lên án việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực chết người.

Nhiều người biểu tình ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), một liên minh chống chính quyền tự xưng là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của Myanmar và đang dồn nỗ lực để được quốc tế công nhận và ủng hộ.

Bất ổn đang tăng

Myanmar đã chứng kiến các vụ nổ nhỏ liên tiếp trong mấy tuần gần đây, một số tại các văn phòng chính phủ và cơ sở quân sự, nhiều nhà quản trị được quân đội bổ nhiệm đã bị đâm chết.

Một nhóm tự xưng là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân ở Tamu, miền trung Sagaing, nói họ đã giết chết 15 thành viên của lực lượng an ninh trong các cuộc đụng độ riêng rẽ vào đêm thứ Ba và đầu ngày thứ Tư.

Trong bản tin buổi tối, Đài truyền hình nhà nước MRTV cho biết một thành viên của lực lượng an ninh bị thương trong một cuộc tấn công của "những kẻ khủng bố".

Với 783 người thiệt mạng trong chiến dịch trấn áp biểu tình, một số người ủng hộ chính phủ bị lật đổ đã tìm đến những các nhóm nổi dậy đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ để được huấn luyện quân sự ở các vùng biên giới xa xôi.

Liên Hiệp Quốc cũng trích dẫn số ca tử vong tương tự. Reuters không thể kiểm chứng con số thương vong một cách độc lập trong khi quân đội Myanmar áp đặt các hạn chế rộng rãi đối với các truyền thông, dịch vụ internet và chương trình phát sóng vệ tinh.

Theo báo cáo của các cơ sở truyền thông và các bài đăng trên mạng xã hội, các cuộc biểu tình thắp nến đã được tổ chức qua đêm để đánh dấu 100 ngày kể từ cuộc đảo chính.