Hơn một chục nhân viên cảnh sát San Jose, bang California, đã đi thăm khu “Grand Century Mall” ở “Little Saigon” nhằm trấn an cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây đang lo sợ về tình trạng gia tăng tội ác chống người châu Á ở Hoa Kỳ, Reuters tường thuật.
Cảnh sát đã đi qua dãy các tiệm làm tóc và làm móng, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam và các tiệm thuốc nam vào ngày 3/4, nói chuyện với các chủ doanh nghiệp và khách hàng. Sau đó, họ thực hiện một chuyến thăm tương tự đến khu phố Nhật ở San Jose, nơi một nhóm tuần tra công dân đã được thành lập sau vụ tấn công chết người nhằm vào các tiệm spa châu Á ở Atlanta vào ngày 16/3.
“Chúng tôi biết cộng đồng châu Á của chúng ta rất lo lắng và sợ hãi”, Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố San Jose, Anthony Mata, nói trong chuyến thăm của ông đến Little Saigon. “Điều quan trọng là chúng tôi phải đối thoại, tương tác với họ để xem chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào”.
Trên khắp nước Mỹ, các cơ quan công luật cũng đang nỗ lực bảo vệ tốt hơn các cộng đồng châu Á giữa bối cảnh làn sóng bạo lực đang nhắm vào họ kể từ có các cuộc phong toả nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bắt đầu khoảng một năm trước.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, cho thấy mặc dù tội phạm do thù hận nói chung ở Mỹ đã giảm nhẹ vào năm 2020, nhưng tội phạm chống lại người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) đã tăng vọt lên 145%.
Tuần trước đã xảy ra một vụ tấn công hiểm ác khi một người đàn ông liên tục đá vào một người Philippines nhập cư 65 tuổi ở thành phố New York. Vụ tấn công đã được quay video và lan truyền, càng làm dấy lên nỗi lo sợ về tội ác chống người châu Á.
Thành phố New York đã triển khai một đội cảnh sát chìm châu Á. Các thành phố lớn khác, từ San Jose cho đến Chicago, đều tăng cường các đội tuần tra trong các khu dân cư châu Á và tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cộng đồng, mà một số cũng tìm cách lấp đầy khoảng trống của lực lượng cảnh sát.
Leanna Louie, người tổ chức đội tuần tra Khu phố Tàu ở San Francisco, cho biết lực lượng cảnh sát với khoảng 2.000 người của thành phố không có đủ nguồn lực, nên thực hiện điều này là “bất khả thi”.
Paul Lưu, giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ người Mỹ gốc Hoa, hoan nghênh sự hiện diện “tăng cường” của cảnh sát tại Khu phố Tàu của Chicago, nơi mà ông cho biết đã được sự hỗ trợ, trong đó có các cảnh sát nói tiếng Hoa. Nhóm của ông tập trung vào việc giáo dục cộng đồng về tội ác thù hận và khuyến khích các nạn nhân lên tiếng, trong đó có nhiều người rất ngại tiết lộ vì rào cản ngôn ngữ hoặc sợ cảnh sát.
Ông Lưu dẫn ra vụ tấn công gần đây nhằm vào một người Việt nhập cư 60 tuổi ở vùng North Side của Chicago. Người này lúc đầu cũng miễn cưỡng về việc báo cáo sự việc.
Dữ liệu chính thức cho thấy Chicago đã ghi nhận hai tội ác chống lại người châu Á vào năm 2020 (tương tự như năm 2019), trong khi số tội phạm này tăng vọt lên 28 vụ ở New York vào năm ngoái so với 3 vụ vào năm 2019.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng việc cảnh sát hiện diện nhiều hơn là một giải pháp cho tình trạng tội phạm chống lại người gốc Á.
Grace Pai, giám đốc tổ chức tại chi nhánh Chicago của tổ chức Asian Americans Advancing Justice, nói với Reuters rằng cô chống lại sự hiện diện nhiều hơn của cảnh sát, với lý do không tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật.
Bà Pai nói phản ứng của cảnh sát trong vụ xả súng ở Atlanta là biểu tượng cho sự thiên vị của cảnh sát. Sáu trong số tám người thiệt mạng trong vụ này là người gốc Á, và một quan chức cảnh sát được cho là dường như cố làm nhẹ vụ tấn công khi nói rằng kẻ xả súng đã trải qua “một ngày tồi tệ thực sự”.
“Người Mỹ gốc Á đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì cảnh sát”, Reuters dẫn lời bà Pai nói. “Chúng tôi thực sự không thấy cảnh sát đóng vai trò ngăn chặn những tội ác này xảy ra”.
Kể từ sau vụ xả súng ở Atlanta, Sở Cảnh sát Los Angeles đã tăng cường tuần tra và số lượng cảnh sát ở những nơi có nhiều người gốc Á sinh sống và làm việc, đặc biệt là trong và xung quanh Khu Phố Tàu, Khu phố Hàn và Khu phố Nhật.
Blake Chow, điều phối viên AAPI của Sở Cảnh sát Los Angeles, nói những bình luận của Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch và việc ông sử dụng những từ ngữ như “cúm Tàu” đã góp phần vào tâm lý chống lại người gốc Á.
Phó cảnh sát trưởng Chow nói: “Chúng tôi không có bằng chứng về bất kỳ nhóm thù hận nào hoạt động ở LA đang nhắm vào cộng đồng người gốc Á và Thái Bình Dương”. Cảnh sát này nói thêm rằng tình trạng gia tăng tội phạm là “các hành vi cá nhân” và “dường như được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch về COVID, trong đó có một số thông tin từ cựu tổng thống”.
Cảnh sát Chow cho biết Sở cảnh sát đang tổ chức các diễn đàn với cộng đồng AAPI để tiếp thu ý kiến về những việc cảnh sát nên làm, cũng như giáo dục các thành viên trong cộng đồng về cách báo cáo sự việc, ngay cả khi với những sự việc không nghiêm trọng đến mức tội phạm, chẳng hạn như khi bị ai đó chửi tục hay có phát ngôn phân biệt chủng tộc.