Một dự án với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cung cấp đào tạo về COVID-19 cho hơn 5 nghìn sinh viên y khoa của Việt Nam.
Tin cho hay, Liên minh IMPACT-MED do USAID tài trợ đã hợp tác với công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Novartis cung cấp đào tạo cho hơn 5.880 sinh viên y khoa năm cuối của 10 trường y tại Việt Nam về chăm sóc và điều trị COVID-19.
Theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Liên minh IMPACT-MED “cũng cung cấp hỗ trợ cho Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), một tổ chức hiện đang hợp tác với Đại học Harvard nhằm cải thiện và đổi mới chương trình giáo dục y khoa bậc đại học thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ”.
USAID cho biết, Liên minh IMPACT MED bao gồm một nhóm các trường đại học và các đối tác lĩnh vực công và tư nhân với mục tiêu của dự án là “hỗ trợ xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng và hiệu quả tại Việt Nam có khả năng đáp ứng với các ưu tiên của thế kỷ 21 và đóng góp vào sự bền vững và an ninh y tế của đất nước”.
XEM THÊM: Ngoại trưởng Mỹ ‘ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập’Ngoài ra, Liên minh này cũng hợp tác với 5 trường đại học y khoa và các nhà hoạch định chính sách để cải thiện và đổi mới đào tạo y khoa bậc đại học thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm đổi mới toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ đa khoa 6 năm.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết thêm rằng các khóa đào tạo được thực hiện bởi giảng viên của Trường đại học Y Harvard sẽ giúp cải thiện kỹ năng phát triển chương trình đào tạo, học tập chủ động, giảng dạy lâm sàng và xây dựng một cộng đồng các nhà giáo dục nhằm phát triển đổi mới đào tạo y khoa. “Quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam sẽ giúp những bài học kinh nghiệm và mô hình thành công được chia sẻ rộng rãi với các trường đại học khác trên toàn quốc”, USAID cho biết.
Theo cơ quan này, chỉ riêng năm 2020, hơn 8.000 sinh viên, giảng viên y khoa và cán bộ y tế sẽ được đào tạo về phòng chống và kiểm soát COVID-19, và đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 5.000 bác sỹ tốt nghiệp từ chương trình đào tạo mới.
Ngoài các sinh viên, phía Mỹ trước đó cho biết đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các “thám tử dịch bệnh”, tức các cán bộ dịch tễ học, để ứng phó với virus Corona.
Quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) từng cho biết rằng “trên tuyến đầu và ở hậu trường, chính phủ Mỹ và CDC hỗ trợ Việt Nam gây dựng và củng cố khả năng y tế công cộng để họ có thể sẵn sàng phát hiện, ứng phó và ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19”.
XEM THÊM: Dân biểu Mỹ kêu gọi ngoại trưởng yêu cầu thả bà Phạm Đoan TrangHồi tháng Mười, USAID cho biết đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tổ chức hội nghị với mục tiêu “thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính”.
Trước đó ít lâu, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Mỹ trao tặng 100 máy thở mới sản xuất cho Việt Nam để hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này ứng phó đại dịch COVID-19.
Theo USAID, việc trao tặng này được thực hiện “theo đề nghị hào phóng của Tổng thống Trump” nhằm giúp Việt Nam “ứng phó khẩn cấp trước đại dịch”.Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu tại buổi lễ trao tặng rằng “dựa trên nền tảng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước trong 25 năm qua, chính phủ Hoa Kỳ vui mừng hỗ trợ những người bạn Việt Nam thông qua việc trao tặng số máy thở này để giúp ứng phó với virus Corona”.