Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại ở cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh vào đầu tuần tới trong lúc hai quốc gia đang chịu sức ép phải chấm dứt cuộc chiến thương mại vốn đã làm tổn thương hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.
Trong phần lớn năm qua, cuộc chiến thương mại đã làm gián đoạn dòng giao thương hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đô la và gây lo sợ về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một nhóm đàm phán do Thứ trưởng Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu sẽ đến Trung Quốc để có ‘các cuộc đàm phán tích cực và mang tính xây dựng’ với các đối tác Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một thông cáo trên trang mạng.
Trong một thông cáo riêng rẽ hôm 4/1, đại diện thương mại Mỹ cho biết phái đoàn của nước này sẽ bao gồm Thứ trưởng các bộ Nông nghiệp, Thương mại, Năng lượng và Tài chính và các quan chức cấp cao khác của các bộ này và Nhà Trắng.
Cả hai thông báo đều không cho biết chi tiết về các cuộc đàm phán này.
Áp lực phải đạt được thỏa thuận gia tăng trong tuần này sau khi các số liệu cho thấy các hoạt động sản xuất của Mỹ và Trung Quốc đang chậm lại trong khi các tập đoàn như Apple và Cargill cho biết cuộc chiến thương mại đang làm tổn thương lợi nhuận của họ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Argentina hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý hoãn việc áp thêm thuế trong vòng 90 ngày để có thời gian thương thảo một thỏa thuận.
Giờ đây hai nước đối diện với thời hạn chót vào tháng Ba để đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại gây tàn phá, nếu không Washington sẽ tăng đáng kể thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh có thể trả đũa.
Ông Trump đã nói rằng các cuộc thương thảo đang diễn biến tốt, nhưng vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có nhượng bộ trước những yêu cầu chủ chốt của Mỹ về mất cân bằng thương mại, mở cửa thị trường và những cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ.
“Ngồi xuống nói chuyện với nhau là tiến bộ. Trung Quốc muốn chấm dứt chiến tranh thương mại, và họ đã tỏ dấu hiệu về điều đó,” một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết.
“Rõ ràng hai phía đang cảm thấy sức ép kinh tế, nhưng cả hai đều có tham vọng cao. Liệu cả hai phía có đủ sức để tiếp tục cuộc chiến? Không. Liệu họ sẽ nhượng bộ? Chúng ta hãy chờ xem.”