Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Hà Nội mới phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam, tổ chức triển lãm với chủ đề “Dịch bệnh bùng phát” trong bối cảnh các ca COVID-19 mới trong cộng đồng vừa qua ở TP HCM gây lo ngại trên toàn quốc.
Theo đại sứ quán Mỹ, Đại sứ Kritenbrink cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn hôm 7/12 đã khai mạc triển lãm của Viện bảo tàng Smithsonian tại Đại học Y Hà Nội nhằm “kích thích tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các nguy cơ đại dịch”.
Tin cho hay, triển lãm là phiên bản thu nhỏ của triển lãm quy mô lớn hơn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, DC.
Đại sứ quán Mỹ cho biết rằng triển lãm kéo dài từ ngày 7 tới 14/12 cho thấy cách mầm bệnh có thể lây lan từ động vật hoang dã và gia súc sang người, lý do một số vụ bùng phát lại trở thành dịch bệnh, cũng như sự liên kết giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường.
Đại sứ Kritenbrink phát biểu tại sự kiện rằng triển lãm trên “đánh dấu kỷ niệm 25 năm hợp tác giữa hai nước, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng Hoa Kỳ, Việt Nam và thực tế là tất cả các nước trên thế giới phải hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức liên tục từ các bệnh truyền nhiễm”.
“Việt Nam đã ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa bùng phát mới trong tương lai. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam để đối phó với những thách thức đó”, ông Kritenbrink được Đại sứ quán trích lời nói thêm trong thông cáo của cơ quan ngoại giao này.
Tin cho hay, hơn 100 địa điểm ở hơn 30 quốc gia đã tổ chức triển lãm “Dịch bệnh bùng phát” với nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
XEM THÊM: Quan chức quốc phòng Mỹ thảo luận Biển Đông ở châu ÁTriển lãm “Dịch bệnh bùng phát” được khai trương tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian hồi giữa năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm đại dịch cúm năm 1918 và sẽ được trưng bày cho đến năm 2021.
Theo thông tin từ bảo tàng này, triển lãm cho thấy cách thức các chuyên gia y tế và người dân “xác định và phản ứng trước các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, virus Ebola, cúm mùa hay virus Zika”.
Sự kiện tại Hà Nội diễn ra ít ngày sau khi Việt Nam xác nhận bốn ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng tại TP.HCM, dẫn tới việc khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với bệnh nhân 1342 là một nam tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines.
Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ sau đó “khuyến cáo công dân Hoa Kỳ đang sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực TP. HCM, cần thận trọng và theo dõi sát sao các hướng dẫn của chính quyền sở tại”.
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm rằng, dù hiện chính quyền địa phương không áp dụng giới nghiêm, “một số khu vực tại TP. HCM có liên quan tới các ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng mới đây đang được phong toả”.
Cơ quan này cũng khuyên công dân Mỹ nếu có triệu chứng của COVID-19 hay lo ngại mình đã nhiễm virus này thì “nên gọi ngay đến đường dây nóng của Việt Nam”.
Liên quan tới việc Việt Nam và Mỹ hợp tác phòng chống COVID-19, hồi tháng Chín, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Mỹ thông báo trao tặng 100 máy thở mới sản xuất cho Việt Nam “theo đề nghị hào phóng của Tổng thống Trump” nhằm giúp “ứng phó khẩn cấp trước đại dịch”.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu tại buổi lễ trao tặng rằng “dựa trên nền tảng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước trong 25 năm qua, chính phủ Hoa Kỳ vui mừng hỗ trợ những người bạn Việt Nam thông qua việc trao tặng số máy thở này để giúp ứng phó với virus Corona”.
Không chỉ giúp Việt Nam thiết bị và tài chính, phía Mỹ đã hỗ trợ đào tạo các “thám tử dịch bệnh”, tức các cán bộ dịch tễ học, để ứng phó với COVID-19, theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ.