Trong động thái mới nhất liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, hôm 28/12, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang, nơi ông Thanh công tác trước đây, công bố quyết định kỷ luật khiển trách đối với bí thư và nguyên bí thư của tỉnh này vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ”.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được cho là đang trốn ở nước ngoài, sau khi viện lý do “đi nước ngoài chữa bệnh” rồi biến mất. Ông Thanh bị cáo buộc là đã làm thất thoát hơn 3 nghìn tỷ đồng thời còn làm phó tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Sau ông Thanh, hàng loạt cán bộ trong các tập đoàn doanh nghiệp khác tiếp tục “ra nước ngoài chữa bệnh” rồi mất tăm mất tích. Báo chí Việt Nam sau đó đưa tin những cán bộ này đều có dính líu tới các vụ thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, nói với VOA rằng hiện tượng cán bộ viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh để bỏ trốn “không có gì lạ ở Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Quang A, vì Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng nêu vấn đề này ra nên báo chí và truyền thông Việt Nam có dịp biến những vụ như vụ ông Trịnh Xuân Thanh và các vụ khác trở thành một “hiện tượng đặc sắc” của năm 2016. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Thực sự cái kiểu như thế đã có từ trước rồi chứ không phải là đặc điểm riêng của 2016. Nó là đặc điểm chung của nền kinh tế, chính trị của Việt Nam”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA nhận xét rằng hiện tượng quan chức bỏ trốn sau khi bị “lộ tẩy” ở Việt Nam là khá giống với Trung Quốc. Ông nói:
“Hiện tượng các quan chức sau khi vi phạm kỷ luật, thậm chí là có những tội cố ý làm trái pháp luật gây hiệu quả nghiêm trọng hay tham nhũng rồi trốn chạy khỏi, cái này thì tiền lệ rất rõ ở Trung Quốc rồi. Cho nên với cơ chế, thể chế tương đồng, cách làm cũng tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn và thấp hơn, thì dư luận cũng đang phán xét theo hướng đó. Trong thời gian anh buông lỏng quản lý cán bộ, rất nhiều những người có chức có quyền đã chuẩn bị sẵn một hậu phương ở một nước nào đó, cả tiền, cơ sở vật chất và thậm chí là tài sản ở một nước nào đó. Sau đó mà bị động một cái là họ có thể chạy ra nước ngoài”.
TS. Nguyễn Quang A thừa nhận hiện tượng quan chức bỏ trốn và phản ứng chống lại hiện tượng này ở Việt Nam có sự tương đồng với Trung Quốc, nhất là kế sách “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình và việc chống tham nhũng mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là “ta đánh ta”. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A nói hiện tượng này là nét chung của tất cả các quốc gia Cộng sản, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam và Trung Quốc.
“Nó là nét chung của tất cả các nước Cộng sản chứ không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc. Nó chỉ khác nhau về mặt mức độ. Những nước Cộng sản nào bắt đầu có nới về mặt kinh tế, thì những hiện tượng như thế luôn luôn xảy ra. Còn ở trong chế độ Cộng sản hoàn toàn kế hoạch hóa, thì vẫn có hiện tượng đó nhưng với phạm vi, quy mô khác. Tất nhiên, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước mở cửa về kinh tế có thể nói là đặc sắc nhất trong các nước XHCN và còn kéo dài theo thời gian. Kinh tế phát triển và điều đó tạo ra những cơ hội để những hiện tượng tham nhũng, lấy của công làm của tư, gây xung đột với lời nói của lãnh đạo đảng Cộng sản là phục vụ cho nhân dân. Chính vì vậy, những người cầm đầu phải tìm cách để trừng trị những người vi phạm như thế. Trong thực tế là trừng trị những phe cách địch thủ của mình. Ở khía cạnh như thế thì đúng là Việt Nam và Trung Quốc có những nét giống nhau. Nhưng nếu xét về động cơ đằng sau thì ở tất cả các nước Cộng sản đều như vậy, nhất là ở những nước Cộng sản có cải cách về mặt kinh tế”.
Cả hai nhà quan sát đều cho rằng các biện pháp đối phó với hiện tượng quan chức bị cáo buộc tham nhũng chạy ra nước ngoài hiện nay của Việt Nam là rất thiếu hiệu quả.
TS. Nguyễn Quang A nói hãy khoan nói đến những vấn đề về dân chủ, chỉ cần giới lãnh đạo Việt Nam tuân thủ những yêu cầu cơ bản của luật pháp thì cũng đã đủ để có thể cải thiện công tác chống tham nhũng, vốn vẫn bị cho là luẩn quẩn và thiếu thực tế.
“Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách quản trị của những người cầm quyền. Nếu mà họ để cho cái gọi là pháp trị rất mạnh, tất cả mọi thứ đều minh bạch và có sự giám sát lẫn nhau, nếu những người Cộng sản Việt Nam họ học theo kiểu của Singapore chẳng hạn, thì tôi nghĩ rằng chắc chắn có thể cải thiện được rất nhiều tình hình chống tham nhũng”.
Theo số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ Việt Nam, chỉ nội trong thời gian từ 1/10/2015 đến 31/7/2016, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội về tham nhũng. Cơ quan thanh tra cũng đã phát hiện vi phạm gần 93.000 tỷ đồng, 14.266 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 20.000 tỷ đồng và 6.508 ha đất.