Nam Hàn – ngày thinh lặng, Việt Nam – đời lặng thinh!

Phụ Huynh đeo khẩu trang cầu nguyện an toàn và may mắn cho con em vào đêm trước ngày thi vào đại học trước tòa nhà chính phủ ở Seoul, Nam Hàn, 17 tháng 11. Khoảng hơn nửa triệu học sinh trung học toàn quốc sẽ lấy bài test CSAT. (AP Photo/Ahn Young-joon)

Hôm nay – 18 tháng 11 là “quiet day” (ngày thinh lặng) ở Nam Hàn.

Không chỉ chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn cùng nhau hạn chế đến mức tối đa việc gây ra tiếng động trong sinh hoạt thường nhật vào hôm nay mà Bộ Chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Nam Hàn (United States Forces Korea – USFK) cũng yêu cầu toàn bộ các đơn vị quân đội của lục quân (Army), Không quân (Air Forces), Hải quân (Navy), Thủy quân lục chiến (Marine) của Mỹ đang đồn trú tại Nam Hàn ngưng toàn bộ hoạt động huấn luyện để không gây ồn ào trong “ngày thinh lặng”.

Sở dĩ kẻ viết bài này biết hôm nay là “quiet day” ở Nam Hàn vì một người bạn là quân nhân Mỹ đang đóng tại Nam Hàn chuyển cho y một link từ trang facebook của USFK (*). Người Hàn đã ngưng bắn vào nhau từ năm 1953 nhưng xung đột giữa Nam Hàn và Bắc Hàn có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, đó cũng là lý do Nam Hàn cần sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ. Đó cũng là lý do cả quân đội Mỹ lẫn quân đội Nam Hàn luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Trước đã vậy và bây giờ cũng thế, toàn bộ USFK luôn tuân thủ phương châm “Fight Tonight” (tối nay ra trận). Bởi là “Fight Tonight” nên huấn luyện là hoạt động thường nhật, gần như không bao giờ ngưng nghỉ song hôm nay, vì là “quiet day”, tất các đơn vị của USFK trên lãnh thổ Nam Hàn sẽ ngưng thực hiện tất cả các phi vụ huấn luyện, các hoạt động thực tập tác xạ, thực tập triển khai hoạt động phòng thủ, phối hợp tấn công trên thực địa,...

Cứ như những gì kẻ viết bài này đã đọc trên trang facebook của USFK thì năm nào Nam Hàn cũng có một “quiet day” vào trung tuần tháng 11. Năm nào hoạt động giao thông công cộng ở Nam Hàn cũng bị hạn chế trong “quiet day”, rất nhiều doanh nghiệp nếu không tự nguyện tạm ngưng hoạt động thì cũng tự nguyện dời giờ làm việc trễ hơn bình thường vài ba tiếng để có thể tạo ra và giữ được sự thinh lặng mà hơn 50 triệu dân Nam Hàn cùng tin là cần thiết...

Tại sao cứ vào trung tuần tháng 11 lại có một “quiet day” ở Nam Hàn?

Phải chăng đó là dịp dân chúng Nam Hàn kỷ niệm gì đó hoặc tưởng niệm ai đó? Câu trả lời là việc thực hiện “quiet day” không nhằm kỷ niệm gì hay tưởng niệm ai! Toàn bộ Nam Hàn từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ tự nguyện thinh lặng trong “quiet day” chỉ vì ngày hôm đó những đứa trẻ là học sinh trung học ở Nam Hàn sẽ dự kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời của chúng: Kiểm tra khả năng theo học đại học mà trang facebook của USFK dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh là College Scholastic Ability Test (CSAT).

Cho dù kết quả CSAT phụ thuộc vào năng lực của từng đứa trẻ nhưng thực hiện “quiet day” để loại trừ tất cả những thứ tiếng động có thể làm bất kỳ đứa trẻ nào tham dự CSAT bị phân tâm, ảnh hưởng đến việc làm bài thi của chúng rõ ràng là phương thức mà cả chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn bày tỏ niềm tin vào giáo dục, bày tỏ kỳ vọng của họ vào từng thế hệ mà dù ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ trở thành rường cột quốc gia, tạo thêm phúc ấm cho dân tộc.

***

Việt Nam không có “quiet day”. Thậm chí Việt Nam có những hoạt động hết sức rầm rộ nhằm quảng bá sự quan tâm cao độ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến giáo dục nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Hàng năm, mỗi lần khai giảng niên khóa mới, viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp lại cùng nhau quá bộ đến một số trường... đánh trống, không trực tiếp ban huấn từ thì cũng soạn thư gửi học sinh và giáo viên, dặn dò thế này, hứa hẹn thế kia,...

Sau tất cả những động tác biểu diễn sự quan tâm đến giáo dục, sau những lời hay, ý đẹp tuôn ra hàng năm,... nhiều đứa trẻ không tiếp tục bỏ học do nghèo thì cũng vật lộn với đủ thứ thách đố chỉ vì nghèo, nhiều trường học tiếp tục thiếu đủ thứ, kể cả thiếu... nhà vệ sinh! Sau các chương trình “tiếp sức đến trường”, “tiếp sức mùa thi”, những xuýt xoa, trầm trồ trước các tấm gương “vượt khó”,... chẳng có bao nhiêu đứa trẻ nhận được cơ hội thi thố sở học vốn là quá trình tích lũy mô hôi, nước mắt của chính chúng lẫn gia đình!

Cử nhân, Thạc sĩ chạy xe ôm, làm tiếp viên, loay hoay với đủ loại việc không liên quan gì tới sở trường đã được đào tạo, mồ hôi, nước mắt, quỹ thời gian, công sức, nỗ lực không ngưng nghỉ của nhiều cá nhân, nhiều thế hệ cứ thế trôi tuột theo vô vọng đã trở thành chuyện bình thường! Việt Nam không cần “quiet day”! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thế, vẫn đủ... tài tình để duy trì một xã hội xem câm nín, nhẫn nhục trước tất cả phi lý, bất công là... phẩm chất để được... dẫn dắt đến CNXH!

Chú thích

(*) https://www.facebook.com/myusfk/posts/265488165618247