Nam Phi sử dụng chất độc để cứu loài tê giác

Nam Phi, nơi sinh sống của hầu hết các con tê giác trên thế giới, tiếp tục tìm kiếm phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn nạn săn trộm, đã đạt tới mức báo động trong những năm gần đây. Chính phủ và các tổ chức tư nhân bảo tồn sinh vật hoang dã sử dụng các phương pháp từ tuần tra võ trang, tới việc cắt sừng tê hay chích thuốc độc vào sừng chúng để khiến sừng này không còn giá trị trên thị trường chợ đen. Cho tới giờ này trong năm, hằng ngàn sừng tê đã được chích thuốc độc với hy vọng sẽ tạo được sự khác biệt trong cuộc tranh đấu để cứu loài thú này khỏi bị diệt chủng.

Tê giác bị săn lậu vì sừng của chúng có thể bán với giá hằng chục ngàn đô la trên thị trường chợ đen ở Châu Á. Sừng tê giác nghiền có thể được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, với mắt và đuôi đôi khi được sử dụng trong ma thuật.

Ông Graham Shipway, tổng quản lý của một khu vực bảo tồn Pluymari Châu Phi gần thành phố Johannesburg, Nam Phi, cho biết:

“Đây là một con tê giác cái mang thai, 23 tuổi. Thứ Bảy trước nó đã bị săn trộm. Ta có thể thấy các lỗ đạn ở đây. Đây là một vết đạn cỡ mạnh. Chúng cưa mất sừng, chúng khoét mắt. Và cắt đuôi con vật này như ta thấy. Tất cả với mục đích lấy hai kilogram sừng.”

Cho tới giờ này năm nay, đã có tám trăm con tê giác bị săn trộm, tức là hơn 3% tổng số tê giác trên thế giới.

Chủ nhân các trại thú đã thuê nhân viên bảo vệ để tuần tra khu bảo tồn của họ. Đây có thể là một công việc nguy hiểm. Giờ đây họ đang thử một chiến thuật mới. Họ làm độc sừng tê giác.

Con tê giác này được chích thuốc tê để nó bị tê liệt nhưng vẫn tỉnh. Rồi sừng của nó bị khoan một lỗ để chích thuốc độc được nhuộm đỏ. Nhà bảo vệ thú hoang Lorinda Hern nói rằng chất thuốc độc này an toàn đối với tê giác nhưng độc hại cho con người, những ai tiêu tiêu thụ. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, mửa, tiêu chảy, tổn hại thần kinh, thậm chí làm chết người trong các trường hợp cực độ. Ông nói:

“Như vậy đó là loại sừng tê tự nhiên chưa được xử lý. Và đây là loại sừng tê đã được xử lý trông giống như thế này. Nếu ta mua một sừng tê có màu như thế này thì ta biết rõ ràng nó đã được xử lý với chất gì và thứ đó không an toàn để con người tiêu thụ. Như vậy thì 60.000 đôla bỏ ra để mua một kilo trở thành số không.”

Một khi công việc đã hoàn tất, con tê giác này tỉnh dậy chếnh choáng, nhưng không bị tổn hại nào. Ông nói:

“Nó bị đau một chút, nhưng tôi vui mừng trước sự kiện là giờ đây tôi biết rằng con vật này sẽ rất an toàn.”

Các nhà bảo vệ thú hoang hy vọng cứu được hằng trăm con tê giác mỗi năm bằng cách làm cho sừng của chúng không còn giá trị gì đối với những kẻ săn lậu.

http://share.voanews.eu/flashembed.aspx?t=vid&id=1788356&w=500&h=380&skin=embeded