Nam Triều Tiên triệu hồi các quản đốc còn ở lại Kaesong

Khu công nghiệp Kaesong

Sợi dây liên lạc kinh tế duy nhất còn lại giữa hai nước Triều Tiên, vốn đã sắp đứt đoạn, lại càng trở nên lỏng lẻo hơn hôm thứ Sáu. Nam Triều Tiên đang đề nghị các công dân của họ còn lại tại khu công nghiệp Kaesong đang ngưng hoạt động ở miền bắc trở về nhà.

Giới chức cấp cao nhất của chính phủ ở Seoul đặc trách việc xử lý quan hệ Bắc-Nam nói đã đến lúc những người Nam Triều Tiên còn ở lại khu công nghiệp Kaesong trở về nhà.

Bộ trưởng Bộ Thống nhát Ryoo Kihl-jae nói chính phủ đã thực hiện một “quyết định không thể tránh được” cho tất cả những người còn ở lại khu công nghiệp trở vể để được bảo vệ bởi vì “các biện pháp bất công của Bắc Triều Tiên đã tạo ra những khó khăn cho công dân Nam Triều Tiên còn ở lại đó.”

Ông Ryoo cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên bảo đảm việc đi lại an toàn của người Nam Triều Tiên để ra khỏi khu Kaesong và bảo vệ thiết bị và tài sản của họ còn ở lại trong khu công nghiệp.

Họp với các bộ trưởng có liên quan đến vấn đề an ninh của bà trước đó trong ngày, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye nêu câu hỏi liệu phải chờ bao lâu nữa để có được một giải pháp về vấn đề khu công nghiệp Kaesong ngưng hoạt động.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói việc đình chỉ kéo dài, vì hành động của Bắc Triều Tiên, đang gây thiệt hại nặng nề cho các công ty và những người Nam Triều Tiên còn ở lại đó mà chưa nhận được cung ứng thực phẩm và vật liệu kể từ ngày 3 tháng 4.

Hôm qua Seoul đã để ra cho Bình Nhưỡng kỳ hạn hơn 24 tiếng đồng hồ một chút để đáp lại một đề nghị đàm phán chính thức về số phận của liên doanh. Nếu không, chính phủ Nam Triều Tiên cảnh báo họ sẽ tiến hành các biện pháp đáng kể có liên quan đến khu công nghiệp nằm ngay phía bắc biên giới.

Hai tiếng đồng hồ sau kỳ hạn hôm nay, Bình Nhưỡng bác bỏ đề nghị đàm phán của Seoul là “gian dối,” và tuyên bố mọi kỳ hạn khác mà các giới chức Nam Triều Tiên đưa ra sẽ dẫn tới “sự tiêu diệt chung cuộc của họ.”

Phát biểu được đưa ra nhân danh một phát ngôn viên thuộc bộ phận chính sách của uỷ ban quốc phòng Bắc Triều Tiên.

Uỷ ban này là cơ quan nhà nước cấp cao nhất mà chủ tịch đầu tiên chính là lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Một phát thanh viên của đài phát thanh trung ương ở Bình Nhưỡng đọc phát biểu dài 10 phút, thông báo cho Seoul rằng nếu họ lo ngại về sự án toàn của những người Nam Triều Tiên còn ở lại trong khu công nghiệp đến thế, thì họ nên rút những người này về và miền Bắc sẽ “tiến hành các biện pháp nhân đạo cần thiết để bảo đảm sự an toàn của những người đó.”

Phát thanh viên còn trích dẫn lời của người phát ngôn kết luận bằng một lời cảnh cáo rằng nếu giới hữu trách Nam Triều Tiên tiếp tục làm cho tình hình thêm trầm trọng, thì miền Bắc sẽ tiến hành “các biện pháp chung cuộc và quyết liệt đáng kể” trước khi miền Nam có thể thực hiện “các biện pháp đáng kể” mà họ đe dọa.

Khu công nghiệp Kaesong chủ yếu gồm các xưởng dệt may nhỏ, do người Nam Triều Tiên điều hành.

Trong các hoạt động bình thường ở Kaesong, có khoảng 800 quản đốc Nam Triều Tiên thuộc hơn 120 phân xưởng giám sát 53.000 công nhân Bắc Triều Tiên.

Các giới chức nói 176 người Nam Triều Tiên còn ở lại trong khu công nghiệp tính đến chiều hôm nay.

Dự án Kaesong, khai trương vào năm 2004, dưới thời “Chính sách Ánh Dương” giao tiếp với miền Bắc, đã được ca ngợi là một biểu tượng hợp tác giữa hai nước Triều Tiên, không có quan hệ ngoại giao và trên nguyên tắc còn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ đầu thập niên 1950.

Ðể đổi lại lao động rẻ rúng, miền Bắc nghèo khó và cô lập đã được hưởng lợi ích về nguồn tiền mặt đáng kể do Kaesong mang lại. Phần lớn tiền lượng của công nhân bị chính phủ Bắc Triều Tiên giữ lại.

Cách đây gần 3 tuần, Bắc Triều Tiên đã rút hết công nhân ra khỏi khu công nghiệp, và cấm đưa thêm tiếp liệu từ miền Nam cho Kaesong.

Bắc Triều Tiên nói họ hành động như vậy để phản đối việc Seoul sử dụng dự án để sỉ nhục giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.

Tình trạng bế tắc ở Kaesong diễn ra vào lúc căng thẳng tăng mạnh trên bán đảo Triều Tiên.

Trong những tuần lễ vừa qua, Bắc Triều Tiên đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh có thể diễn ra, và lập luận rằng các cuộc tập trận chung giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ mở màn cho một cuộc xâm lược.

Mặc dầu Bắc Triều Tiên thường xuyên đưa ra những phát biểu như vậy mỗi khi Seoul và Washington thực hiện các cuộc tập trận thường niên, năm nay Bình Nhưỡng đã đưa ra những lời cảnh báo cụ thể và chưa từng thấy từ trước đến nay, trong đó có việc họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào Hoa Kỳ.

Việc Bắc Triều Tiên phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí nguyên tử, tiếp tục bất chấp lệnh chế tài của Liên Hiệp Quốc là một mối quan ngại lớn cho cộng đồng quốc tế.

Phần lớn các chuyên gia phân tích quốc phòng đều không tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng bố trí một đầu đạn tí hon trên một hỏa tiễn nhiều tầng.