NASA/Artemis II: 1 nhà du hành nữ, 1 nhà du hành da đen lần đầu bay tới mặt trăng

NASA giới thiệu 4 nhà du hành thực hiện chương trình Artemis II tại Houston.

NASA công bố hôm thứ Hai 3/4 người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên từ trước đến nay được chọn làm phi hành gia trong một chuyến bay tới mặt trăng. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ giới thiệu họ là thành viên trong tổ bay gồm 4 người được chọn để thực hiện chuyến du hành đầu tiên có phi hành đoàn bay quanh mặt trăng sau hơn 50 năm.

Christina Koch, 44 tuổi, được cử làm chuyên gia bay trong chương trình Artemis II bay tới mặt trăng dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Bà là một kỹ sư giữ kỷ lục là phụ nữ bay trong vũ trụ liên tục lâu nhất và từng tham gia 3 cuộc làm việc ngoài không gian gồm toàn phụ nữ đầu tiên của NASA.

Bà sẽ có đồng đội là Victor Glover, 46 tuổi, người sẽ là nhà du hành da đen đầu tiên được chọn tham gia một chuyến bay tới mặt trăng. NASA chỉ định ông Glover làm phi công của Artemis II. Ông là phi công thuộc Hải quân Hoa Kỳ và từng thực hiện 4 cuộc làm việc ngoài không gian.

Hai người còn lại trong phi hành đoàn là Jeremy Hansen, một đại tá Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada và là người Canada đầu tiên được chọn cho chuyến bay tới mặt trăng, giữ vị trí chuyên gia bay; và Reid Wiseman, một cựu phi công chiến đấu nữa của Hải quân Hoa Kỳ, được bổ nhiệm làm chỉ huy bay. Cả hai đều 47 tuổi.

Cả 3 phi hành gia của NASA được chọn cho chương trình Artemis II đều là những nhà du hành kỳ cựu từng tham gia các hoạt động trước đây trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Riêng Hansen, một phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Canada, là tân binh trong việc bay vào vũ trụ.

Nhóm 4 phi hành gia của Artemis II đã được giới thiệu trong một sự kiện tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, cơ sở điều khiển bay của NASA, ở Houston.

"Phi hành đoàn Artemis II đại diện cho hàng nghìn người làm việc không mệt mỏi để đưa chúng ta đến các vì sao. Đây là phi hành đoàn của nhân loại. Chúng ta sắp xuất phát", Giám đốc NASA Bill Nelson phát biểu.

Artemis II sẽ ghi dấu là chuyến bay có người lái đầu tiên của chương trình mới tiếp nối vào chương trình Apollo, nhằm đưa các phi hành gia trở lại bề mặt mặt trăng vào cuối thập kỷ này và trên hết là sẽ thiết lập một tiền đồn bền vững ở đó như một bước đệm cho việc con người khám phá sao Hỏa trong tương lai.

Chuyến bay khởi động mang tên Artemis I đã hoàn thành thành công vào tháng 12/2022, cũng ghi dấu lần đầu ra mắt siêu tên lửa thế hệ tiếp theo cực lớn và tàu vũ trụ Orion mới chế tạo của NASA trong một chuyến bay thử nghiệm không người lái kéo dài 25 ngày.

Mục tiêu của chuyến bay Artemis II dài 10 ngày quanh mặt trăng và quay về trái đất là để chứng minh rằng tất cả các thiết bị hỗ trợ sự sống của Orion và các hệ thống khác đều sẽ hoạt động đúng như thiết kế với các phi hành gia trên khoang, bay trong vũ trụ xa xôi.

Artemis II sẽ bay cách xa phía bên kia của mặt trăng tới khoảng 10.300 km trước khi quay trở lại, đánh dấu lần bay ngang qua gần với mặt trăng nhất mà con người đã thực hiện kể từ chuyến bay Apollo 17 đã đưa Gene Cernan và Harrison Schmitt lên bề mặt mặt trăng vào tháng 12/1972.

Ở khoảng cách xa nhất tính từ trái đất, Artemis II dự kiến sẽ đi đến một điểm cách xa tới hơn 370.000 km.

Sau khi bay vòng quanh mặt trăng, Orion sẽ tận dụng lực hấp dẫn của trái đất và mặt trăng để đưa nó vào một hành trình bay trở về mà không cần dùng động cơ để đẩy, kéo dài khoảng 4 ngày nữa, kết thúc bằng một cú đáp xuống biển.

Nếu Artemis II thành công, NASA có kế hoạch sẽ thực hiện tiếp trong một vài năm nữa một cuộc đổ bộ chưa từng có lên cực nam của mặt trăng, có các nhà du hành tham gia, một trong số họ là nữ, trong chương trình mang tên Artemis III. Các chuyến bay có phi hành đoàn tiếp theo sẽ diễn ra khoảng mỗi năm một lần.

(Reuters)