Cơ quan không gian Hoa Kỳ vừa phóng phi thuyền mới nhất trong các phi thuyền thám hiểm Hỏa tinh của họ để thực hiện một phi vụ kéo dài 2 năm nhằm tìm kiếm những nơi mà sự sống có thể đã tồn tại trên Hỏa Tinh.
Phòng thí nghiệm Khoa học Hỏa Tinh, có tên Curiosity (“Hiếu Kỳ” hay “Tò Mò”), trị giá 2,5 tỉ đôla, được phóng đi sáng nay từ Mũi Canaveral ở tiểu bang Florida.
Với kích cỡ bằng một chiếc xe hơi, phi thuyền này có 17 máy thu hình, một cánh tay robo, một máy chiếu tia laser, và một máy khoan để khoan các tảng đá trên sao Hỏa. Phi thuyền dự kiến sẽ tới đích vào tháng 8.
Theo kế hoạch, địa điểm hạ cánh là một vùng trũng có bề rộng 150 kilo mét được đặt tên là Hố Gale theo tên của nhà thiên văn người Úc Walter Gale.
Đặc tính địa chất của hố này bao gồm nhiều nơi mà các nhà khoa học tin là nước từng chảy qua, cùng với một rặng núi cao và rộng mà các nhà quản lý phi vụ nói sẽ là một trọng tâm chính. Các khoa học gia cho biết phi vụ này sẽ giúp phơi bày những bí mật về lịch sử môi trường của Hỏa Tinh.
Các nhà khoa học của NASA nói rằng những máy móc của phi thuyền sẽ được dùng để nghiên cứu xem khu vực hạ cánh có điều kiện thuận lợi cho sự sống của vi sinh vật hay không. Họ nói rằng phi thuyền Curiosity không có nhiệm vụ tìm kiếm sự sống và không tìm kiếm những sinh vật hoá thạch.
Phi thuyền Curiosity, có 6 bánh xe, là phi thuyền thăm dò lớn nhất mà NASA đưa lên Sao Hỏa. Phi thuyền này nặng 900 kg, cao khoảng 2 mét, và có chiều dài và chiều rộng 2 mét. Phi thuyền này lớn khoảng gấp đôi các phi thuyền thăm dò Spirit và Opportunity trước đây của NASA.