Mục tiêu của NASA quay trở lại mặt trăng sẽ được thúc đẩy thêm nhiều vào đầu năm 2019, khi cơ quan này trao hợp đồng đầu tiên cho chương trình "Cửa ngõ" mặt trăng.
Theo kế hoạch của NASA, Trạm Quỹ đạo Cửa ngõ Mặt trăng là một “bàn đạp” có mục đích phục vụ các cuộc nghiên cứu mặt trăng và môi trường sâu trong vũ trụ. Về sau này, nó sẽ hoạt động như một trạm trung gian dành cho các phi hành gia đi đến và quay về từ sao Hỏa.
Khoản chi đầu tiên của NASA cho trạm này sẽ dành cho các thiết bị phát điện và phát lực đẩy vào đầu năm tới, tiếp theo là các bộ phận phục vụ việc sinh sống, Phó Giám đốc NASA William Gerstenmaier cho biết hôm 19/4 tại hội nghị chuyên đề về vũ trụ ở Colorado Springs, Colorado. Các bộ phận đó có thể sẽ được phóng lên mặt trăng, theo thứ tự đó, bắt đầu từ năm 2022.
Trạm này dự kiến sẽ bay trên quỹ đạo quanh mặt trăng vào năm 2025, ông Gerstenmaier cho biết. Ông là quan chức kỳ cựu của NASA trong 41 năm, giám sát hoạt động thăm dò và các chương trình của con người. Ông cho hay trạm mang theo phi hành đoàn gồm 4 phi hành gia thực hiện trong các nhiệm vụ kéo dài 30 ngày mỗi lượt.
Trạm “Cửa ngõ” cũng sẽ thúc đẩy thêm mục tiêu của NASA là lại đưa người hạ cánh xuống mặt trăng, và sẽ giúp xác định xem nước gần bề mặt có thể sử dụng được hay không để sản xuất nhiên liệu đẩy cho các chuyến đi sâu vào vũ trụ. Lực hút của mặt trăng cũng có thể giúp tàu vũ trụ giảm tốc độ rất lớn trong các chuyến đi dài 6 tháng đi và về từ sao Hỏa, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.
Các chuyến đi đến “Cửa ngõ” sẽ thực hiện bằng tàu Orion, phi thuyền đang do Lockheed Martin lắp ráp, với module dịch vụ do Cơ quan Vũ trụ châu Âu cung cấp. Chuyến bay đầu tiên của Orion, không có phi hành đoàn, được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào năm tới. Tàu này đóng vai trò là sở chỉ huy khi nó lắp ghép với trạm “Cửa ngõ”.
(Bloomberg, SCMP)