NATO đã hoạt động tại Afghanistan từ năm 2003 theo lệnh của Liên Hiệp Quốc, chỉ huy đạo quân gồm 130.000 binh sĩ được biết đến với danh hiệu “Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế,” gọi tắt là ISAF. Mục đích chính của ISAF là giúp đỡ chính quyền Afghanistan có an ninh và ổn định hầu tạo điều kiện cho công cuộc tái thiết và phát triển.
Theo các phân tích gia, hội nghị thượng đỉnh Chicago sẽ tái khẳng định quyết định của NATO rút tất cả các binh sĩ chiến đấu ra khỏi Afghanistan vào năm 2014, trong lúc vẫn giữ vững cam kết quan hệ hợp tác dài hạn với nhân dân Afghanistan.
Ông Sean Kay, một chuyên viên NATO tại trường đại học Wesleyan tại Ohio, nói các giới chức NATO tại hội nghị thượng đỉnh sẽ phải thuyết phục Tổng thống tân cử của Pháp, ông Francois Hollande, đừng rút 3.300 quân Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, như ông đã cam kết trong thời gian tranh cử.
Ông Charles Kupchan, một chuyên gia NATO thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rằng ngay nếu Pháp tự ý rút quân, điều đó cũng không có nghĩa là NATO chấm dứt sứ mạng của mình tại Afghanistan.
Nhưng ông Kupchan nói có thể có một giải pháp, chẳng hạn có lẽ là ông Hollande chỉ rút bớt một số quân, hoặc ít ra, sớm chấm dứt các hoạt động tác chiến của quân Pháp.
Ông Kupchan và một số người khác nói chỉ riêng NATO không thể ổn định tình hình tại Afghanistan. Ông và những phân tích gia khác nói cộng đồng quốc tế cũng phải cung ứng trợ giúp kinh tế và tài chánh cần thiết để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai.
Tuy nhiên, vẫn theo các chuyên gia đó, điều này cũng khó khăn, bởi vì nguồn tài nguyên đang hiếm hoi trước tình hình kinh tế không mấy khả quan tại các nước công nghiệp hiện nay.
Vấn đề Afghanistan sẽ chiếm hạng cao trong lịch trình thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Chicago, qui tụ 28 nước thành viên NATO vào 2 ngày Chủ nhật và thứ Hai.