Các quốc gia thành viên NATO ký kết trong hiệp ước an ninh quan trọng thời Chiến tranh Lạnh đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước này vào ngày 7/11 chỉ vài giờ sau khi Nga rút lui, đặt ra những câu hỏi mới về tương lai của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí ở châu Âu.
Nhiều nước trong số 31 nước đồng minh trong NATO là các bên tham gia Hiệp ước Lực lượng vũ trang Truyền thống ở châu Âu CFE, nhằm ngăn chặn các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh tập trung lực lượng tại hoặc gần biên giới chung của họ. CFE được ký kết vào tháng 11 năm 1990 khi khối Xô Viết sụp đổ nhưng mãi đến hai năm sau mới được phê chuẩn đầy đủ.
NATO nói hành động ngày 7/11 là cần thiết bởi vì “tình huống mà các quốc gia đồng minh tuân thủ Hiệp ước, trong khi Nga thì không, sẽ không bền vững”.
Trước đó cùng ngày, Moscow cho biết họ đã hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước. Động thái được dự đoán từ lâu, mà Điện Kremlin đổ lỗi một phần là do NATO tiếp tục mở rộng gần biên giới Nga hơn, được đưa ra sau khi các nhà lập pháp ở Moscow thông qua dự luật do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất nhằm bác bỏ CFE.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói việc đình chỉ các nghĩa vụ của Washington và các đồng minh sẽ tăng cường “năng lực phòng thủ và răn đe của NATO khi loại bỏ các hạn chế ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai và tập trận – những hạn chế vốn không còn ràng buộc Nga sau khi Moscow rút khỏi”.
Ông nói thêm rằng hành động của Nga “chứng tỏ thêm việc Moscow tiếp tục coi thường việc kiểm soát vũ khí”.
Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng Berlin và các đồng minh sẽ không rút khỏi hiệp ước. “Trong trường hợp có sự thay đổi cơ bản trong cách hành xử của Nga, việc triển khai mới CFE vẫn có thể xảy ra”, Bộ này cho biết.
Bộ nói Đức có ý định tuân thủ các giới hạn quốc gia đối với hệ thống vũ khí trong hiệp ước. Bộ chỉ trích việc Moscow rút khỏi hiệp ước, nói rằng “Nga đang phá hủy một trụ cột khác trong kiến trúc kiểm soát vũ khí và an ninh châu Âu của chúng ta”.
“Việc đảm bảo tiềm lực cân bằng của các lực lượng truyền thống ở châu Âu không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Nga”, Bộ nói thêm.
Hiệp ước này là một trong số các hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn liên quan đến Nga và Mỹ đã bị tê liệt trong những năm gần đây.
Tuần trước, ông Putin đã ký luật thu hồi việc Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, một động thái mà ông cho là cần thiết để thiết lập sự ngang bằng với Mỹ.
Vào tháng 2, khi căng thẳng Mỹ-Nga tăng cao về Ukraine, Moscow đã đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới, hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn tồn tại giữa hai nước.
Cả hai nước cũng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung INF 1987 vào năm 2019, đổ lỗi cho nhau vi phạm.
Hiệp ước INF, được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, đã cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai phi đạn đạn đạo và phi đạn hành trình trên đất liền với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Ông William Alberque, giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bày tỏ lo ngại rằng một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác đang bị đe dọa.
Ông nói: “Điều cần thiết lúc này là minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro nhiều hơn, nhiều hơn những gì chúng ta gọi là rào cản cạnh tranh”. “Về cơ bản, chúng ta cần quản lý sự cạnh tranh để nó không trở thành những cuộc chạy đua vũ trang gây tê liệt.”
Khi được ký kết, CFE dự tính giới hạn vũ khí cho Hiệp ước Warsaw và NATO, nhưng Hiệp ước Warsaw đã không còn tồn tại ngay sau khi nó được ký kết. Những nỗ lực đàm phán lại đã không thành công.
Nga đã đình chỉ tham gia vào năm 2007 và năm 2015 tuyên bố ý định rút lui hoàn toàn.
Vào tháng 2 năm 2022, ông Putin đã gửi hàng trăm nghìn quân Nga vào Ukraine, quốc gia cũng có chung đường biên giới với các thành viên NATO có ký kết CFE: Ba Lan, Romania và Hungary.
Thông báo việc Moscow rút khỏi hiệp ước đã hoàn tất, Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh về động thái này và đổ lỗi cho “lập trường phá hoại” của phương Tây đối với hiệp ước.
Bộ nói: “Chúng tôi đã để ngỏ cánh cửa cho một cuộc đối thoại về cách khôi phục khả năng tồn tại của việc kiểm soát vũ khí truyền thống ở châu Âu. Tuy nhiên, đối thủ của chúng tôi đã không tận dụng được cơ hội này”.
Bộ này nói rằng “ngay cả việc bảo tồn chính thức” hiệp ước cũng đã trở nên “không thể chấp nhận được từ quan điểm về lợi ích an ninh cơ bản của Nga”, trích dẫn những diễn biến ở Ukraine và sự mở rộng gần đây của NATO.
NATO cho biết các thành viên của họ vẫn cam kết “giảm thiểu rủi ro quân sự và ngăn chặn những hiểu lầm và xung đột”. NATO nói liên minh sẽ tiếp tục “tham vấn và đánh giá tác động của môi trường an ninh hiện tại và tác động của nó đối với an ninh” khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.