Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen tuyên bố các nước trong liên minh phải thảo luận vấn đề liệu các vụ khí hạt nhân chiến lược có tác dụng như một công cụ răn đe khả tín để chống lại các phần tử khủng bố có thể thủ đắc một thiết bị hạt nhân hay không. Thổ Nhĩ Kỳ và các nước chư hầu thuộc Liên bang Xô viết cũ muốn giữ những vũ khí như thế. Nhiều thành viên cũ hơn muốn giải trừ chúng. Ông Rasmussen nói theo ý kiến cá nhân ông, các vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Âu thực sự có tác dụng như một công cụ răn đe.
Ông Rasmussen nói rằng các thành viên NATO cũng phải duyệt lại chủ trương toàn bộ của họ về vấn đề hạt nhân. Ông cho rằng Tổng thống Obama có công “thổi căng buồm cho con thuyền cắt giảm nguy cơ và vũ khí hạt nhân.” Ông nói liên minh phải làm những gì có thể được để ủng hộ việc kiểm soát, giải trừ và cấm phổ biến vũ khí.
Đồng thời, Tổng thư ký Rasmussen nói lý do hiện hữu của NATO là bảo vệ 900 triệu người trong các nước thành viên của khối.
Ông Rasmussen nói: “Phòng thủ phi đạn không phải là biện pháp thay thế cho một công cụ răn đe có hiệu quả, nhưng có thể bổ sung cho nó, bởi vì có các quốc gia và các thành phần khác có thể không có đủ lý trí để lùi bước trước các vũ khí hạt nhân của chúng ta.”
Ông Rasmussen nói thêm rằng NATO phải giao tiếp với Nga về vấn đề phòng thủ phi đạn vì lợi ích an ninh và đoàn kết chính trị ở châu Âu.
Phát biểu sau một cuộc họp song phương với nước chủ trì cuộc họp NATO là Estonia, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton không xác nhận các bản tin nói rằng Iran có thể chuyển nhượng kỹ thuật phi đạng SCUD cho các phần tử chủ chiến Hezbollah ở Libăng qua ngả Syria. Nhưng bà nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama đang cứu xét những lợi ích và thiệt hại của việc gửi một đại sứ Hoa Kỳ đến Damascus sau một thời gian 5 năm vắng mặt.
Bà Clinton nói: “Vị thế của chúng ta ở thời điểm này là chúng ta tin rằng điều quan trọng là tiếp tục tiến trình đưa một vị đại sứ trở lại; đây không phải là một thứ tưởng thưởng cho phía Syria và các hành động mà họ đã thực hiện mang tính cách rất đáng ngại.”
Bà Clinton nói Hoa Kỳ đã gọi điện thoại cho đại sứ Syria ở Washington để thảo luận những mối quan ngại về vấn đề phi đạn có thể đang được chuyển nhượng từ Iran. Bà nói sự hiện diện của một vị đại sứ Hoa Kỳ sẽ giúp Washington có một cái nhìn rõ hơn về những gì đang xảy ra tại Damascus.
Cuộc họp 2 ngày của các vị bộ trưởng NATO tại Estonia nhằm mục đích tìm ra một sách lược mới cho tổ chức này trong thế kỷ thứ 21. Trong số những thách thức mà liên minh phải đối phó có vấn đề năng lượng và an toàn mạng điện toán. Các vị bộ trưởng sẽ tiếp tục thảo luận trong ngày hôm nay.
Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen nói NATO phải tận lực hướng tới việc giải giới hạt nhân, nhưng cũng phải có một hệ thống phòng thủ phi đạn để chống lại các thành phần và các nước không biết điều có vũ khí hạt nhân. Từ cuộc họp giữa các ngoại trưởng trong khối NATO ở thành phố Talinn của Estonia, thông tín viên VOA Peter Fedynsky gửi về bài tường thuật sau đây.