NATO dự tính mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, văn phòng đầu tiên của họ ở châu Á, để tạo thuận lợi cho các cuộc tham vấn trong khu vực, tờ Nikkei Asia dẫn lời các quan chức Nhật và NATO cho biết hôm 3/5.
Văn phòng liên lạc này sẽ cho phép NATO thảo luận với các đối tác an ninh của họ, chẳng hạn như Hàn Quốc, Úc và New Zealand và tính đến những thách thức địa chính trị từ Trung Quốc và Nga, truyền thông đưa tin.
Theo đề xuất, văn phòng này với nhân sự một người sẽ mở cửa vào năm tới tại Tokyo nhưng các chi tiết như liệu Nhật Bản sẽ hỗ trợ địa điểm hay NATO sẽ cấp ngân sách vẫn đang được đàm phán, tờ báo Nhật cho biết.
Trong nhiều trường hợp, nước chủ nhà cung cấp địa điểm cho NATO mở văn phòng. Nếu Tokyo cấp ngân sách cho liên minh quân sự phương Tây thiết lập sự hiện diện ở Nhật, việc này sẽ cho thấy giai đoạn mới trong hợp tác quốc phòng của nước này.
Cả hai bên đều có mục đích làm sâu sắc thêm hợp tác. Nhật Bản dự tính thành lập một phái bộ độc lập ở NATO, tách khỏi Đại sứ quán của Nhật ở Bỉ, nơi đặt trụ sở của NATO. Nhật sẽ cử một đại sứ mới chuyên trách về NATO, để giải phóng cho đại sứ của họ ở Bỉ khỏi phải xử lý các sự vụ về NATO.
NATO có các văn phòng liên lạc tương tự ở New York, Vienna, Ukraine và những nơi khác, tổ chức này cho biết.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhật Bản hồi tháng 1 và cam kết với Thủ tướng Fumio Kishida sẽ tăng cường quan hệ trước những thách thức an ninh ‘lịch sử’ và chỉ ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhật Bản và NATO đang tìm cách tăng cường hợp tác để chống các mối nguy về an ninh mạng, công nghệ phá sóng và thông tin sai lệch, nhằm ký kết chương trình đối tác được thiết kế riêng trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, cũng theo Nikkei Asia.
Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Taksoe-Jensen, đầu mối điều phối quan hệ giữa NATO với Nhật, nói với tờ Nikkei Asia qua điện thoại rằng văn phòng liên lạc của NATO ở Nhật sẽ là văn phòng đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và không chỉ mang tính biểu tượng.
Ông Michito Tsuruoka, phó giáo sư tại Đại học Keio, được Nikkei Asia dẫn lời nói rằng việc NATO hiện diện ở Nhật sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Tokyo. “Điều này có nghĩa là khi NATO nhìn vào châu Á, trong đó có Trung Quốc, họ sẽ nhìn qua qua lăng kính của Tokyo. Khi đại diện của NATO gửi thông tin về trụ sở, thông tin đó sẽ luôn đi qua đường Tokyo”, ông nói.