New York dự tính thu lệ phí khi khách hàng dùng bao plastic

  • Adam Phillips

Thùng bỏ bao plastic để tái chế tại một cửa hàng

Thế giới tiêu thụ hàng trăm tỷ bao plastic, mà ta quen gọi là bao ni-lông, dùng một lần rồi bỏ đi mỗi năm. Các nhà hoạt động cho môi truờng nói các bao này khó tái chế, phí phạm và gây tai hại cho bầu không khí sinh học. Họ muốn cấm sử dụng bao plastic hoặc, như nhiều cộng đồng đã làm - bắt nộp một khoản lệ phí để sử dụng chúng tại quầy trả tiền.

Thông tín viên VOA Adam Phillips tường thuật rằng công nghiệp bao plastic bênh vực việc sử dụng chúng, và nói rằng mọi người dùng lại các bao plastic, và các giới chức công nghiệp lập luận rằng tái chế biến là một vấn đề trách nhiệm cá nhân và không nên định ra luật lệ.

Các giới chức thành phố nói người dân New York sử dụng 5,2 tỷ bao plastic mỗi năm. Họ được cho không lúc mua hàng ở gần như mọi siêu thị, cửa hiệu thuốc hay các cửa hàng tạp hóa. Nhiều người thích các bao plastic này, vì đó là cách gói hàng thời nay, dễ sử dụng, nhẹ và dễ cất giữ. Cũng có người thì cho biết cảm thấy không thoải mái khi dùng các bao loại này, nhưng vẫn dùng vì sự tiện lợi của chúng.

Nhưng điều xảy ra với những cái bao đó sau khi đã được sử dụng là một vấn đề lớn về môi trường, theo nhận định của bà Lilly Belanger của tổ chức noimpactproject.org

Bà nói: “Người ta thấy chúng trên các bãi biển. Người ta thấy chúng làm nghẹt các ống cống, Chúng bị kẹt trên các cành cây. Chúng bị các loài thủy sinh nuốt phải. Và khi xảy ra việc ấy, thì thực ra chúng ta lại ăn những loài thủy sinh ấy. Cái gì là xấu cho hành tinh thì gần như lúc nào cũng xấu đối với chúng ta.”

Các bao plastic được làm bằng các sản phẩm dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên, và không phân huỷ được. Theo bà Berenger, rất khó tái chế các bao này. Vì thế Thành phố New York chi ra gần 10 triệu đôla mỗi năm để chuyển 100 ngàn tấn bao plastic đến các hố rác ngoài tiểu bang.

Luật sư Jennie Romer thuộc tổ chức PlasticBagLaws.org giúp phác thảo luật lệ tiểu bang và địa phương để hoặc cấm chỉ việc sử dụng bao plastic hoặc bắt đóng một lệ phí để sử dụng chúng. Bà nói gần 150 tỉnh thành ở Mỹ đã áp dụng việc này có hiệu quả.

Bà nói: “Tại thủ đô Washington, việc bắt trả 5 cents cho những bao plastic dùng 1 lần rồi bỏ đã dẫn tới việc giảm thiểu 60% và tại Quận Los Angleles ở California, việc cấm sử dụng bao plastic và bắt phải trả 10 cent cho các bao giấy đã dẫn đến việc giảm thiểu 95% số lượng sử dụng bao dùng một lần rồi bỏ.

Các nhà hoạt động cho môi trường và một số thành viên Hội đồng Thành phố New York đang đề xuất một dự luật bắt trả lệ phí 10 cents cho việc sử dụng các bao plastic dùng 1 lần rồi bỏ.

Ðó là về phần vụ chính phủ, theo ông Mark Daniels thuộc Liên minh Bao bì Cấp tiến Mỹ, một tổ chức thương mại công nghiệp. Ông nói với đài VOA qua Skype:

“Còn là trách nhiệm cá nhân của bạn nữa. Nếu bạn đi mua sắm ở một cửa hàng bách hóa và mua một gói kẹo cao su và một chai Coke, thì cần gì đến một cái bao plastic. Bạn có thể từ khước.”

Bà Jennie Romer phản bác rằng mọi người thuờng không từ chối một tiện nghi miễn phí.

Bà nói tiếp: “Nhưng nếu phải trả 10 cents cho những cái bao đó, thì có nhiều phần chắc hơn là khách khác sẽ tính toán và nghĩ lại xem mình có cần bao hay không. Và đó là điều mà những luật lệ này muốn làm.”

Ông Mark Daniels nói đa số mọi nguời thường dùng lại các bao plastic ở nhà, và hạn chế việc sử dụng các bao do Mỹ sản xuất sẽ làm nhiều nguời mất việc làm trong khu vực sản xuất bao plastic và các trung tâm tái chế.

Các tổ chức môi trường đang chạy đua để đưa một số ngày càng nhiều các đề nghị bắt đóng lệ phí cho bao plastic trên các lá phiếu và để cho các nhà lập pháp tiểu bang và thành phố cứu xét, trong khi chính phủ liên bang báo cáo sự gia tăng đáng kể trong số các bao plastic mà người Mỹ sử dụng hàng năm.