Chính phủ New Zealand hôm 26/3 cho biết họ đã nêu quan ngại với chính phủ Trung Quốc về việc nước này có liên quan đến một vụ tấn công mạng do nhà nước bảo trợ nhắm vào quốc hội New Zealand vào năm 2021.
Vụ việc đã bị cơ quan tình báo New Zealand phát hiện.
Những tiết lộ về việc thông tin được truy cập thông qua hoạt động mạng độc hại nhắm vào các thực thể nghị viện của New Zealand được đưa ra khi Anh và Mỹ cáo buộc Trung Quốc về một chiến dịch gián điệp mạng trên diện rộng. Cả New Zealand và Australia đều lên án hành động này.
“Sự can thiệp của nước ngoài kiểu này là không thể chấp nhận được và chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động như vậy trong tương lai,” Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết trong một tuyên bố.
Ông cho biết những lo ngại về hoạt động mạng do các nhóm được chính phủ Trung Quốc tài trợ, nhắm vào các tổ chức dân chủ ở cả New Zealand và Vương quốc Anh đã được chuyển đến đại sứ Trung Quốc.
Một quan chức tình báo hàng đầu của New Zealand hôm 26/3 nói với một ủy ban quốc hội rằng bảy công dân của họ đã huấn luyện cho quân đội Trung Quốc trong 18 tháng qua, điều mà ông nói là một “rủi ro lớn về an ninh quốc gia”.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand cho biết trong một email rằng họ bác bỏ "những cáo buộc vô căn cứ và vô trách nhiệm như vậy" và bày tỏ sự không hài lòng cũng như kiên quyết phản đối chính quyền New Zealand.
“Chúng tôi chưa bao giờ và trong tương lai cũng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, bao gồm cả New Zealand. Việc cáo buộc Trung Quốc can thiệp nước ngoài là hoàn toàn sai trái,” người phát ngôn nói.
Trước đó trong ngày 26/3, chính phủ New Zealand cho biết cơ quan an ninh truyền thông (GCSB) của họ, chuyên quản lý an ninh mạng và tình báo tín hiệu, đã xác định được những mối liên hệ giữa một tác nhân do nhà nước Trung Quốc bảo trợ có tên là Mối đe dọa Liên tục Nâng cao 40 (APT40) và hoạt động mạng độc hại nhắm vào các dịch vụ quốc hội của New Zealand cũng như văn phòng cố vấn quốc hội vào năm 2021.
GCSB cho biết APT40 có liên kết với Bộ An ninh Quốc gia ở Bắc Kinh.
Theo GCSB, trong năm tài chính vừa qua, 23% trong số 316 sự kiện mạng độc hại, liên quan đến các tổ chức có tầm quan trọng cấp quốc gia, được quy cho các tác nhân được nhà nước bảo trợ.
Những cuộc tấn công này không được quy kết cụ thể cho Trung Quốc và New Zealand năm ngoái cũng lên án hoạt động mạng độc hại do chính phủ Nga thực hiện.
Các quan chức Mỹ và Anh vào cuối ngày 25/3 đã đệ đơn tố cáo, áp đặt các biện pháp trừng phạt và cáo buộc Bắc Kinh thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng sâu rộng, được cho là đã tấn công hàng triệu người bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng như các công ty, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng.
Các quan chức Mỹ và Anh đã đặt biệt danh cho nhóm tấn công mạng chịu trách nhiệm là Mối đe dọa Liên tục Nâng cao 31 hay "APT31", gọi nhóm này là một nhánh của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Các quan chức đưa ra một danh sách dài các mục tiêu của nhóm này: gồm nhân viên Nhà Trắng, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, nghị sĩ Anh và các quan chức chính phủ trên khắp thế giới vốn lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Theo quan chức hai nước cho biết, các nhà thầu quốc phòng, các nhà bất đồng chính kiến và các công ty an ninh cũng bị tấn công.
Năm 2019, tình báo Australia xác định Trung Quốc chịu trách nhiệm về vụ tấn công mạng nhằm vào quốc hội và ba đảng chính trị lớn nhất của nước này trước cuộc tổng tuyển cử nhưng chính phủ Australia chưa bao giờ tiết lộ chính thức ai đứng đằng sau các vụ tấn công.
Ông Andrew Hampton, Tổng Giám đốc An ninh của Cơ quan Tình báo An ninh New Zealand, nói với một ủy ban quốc hội hôm 26/3 rằng 7 công dân đã rời bỏ vai trò của họ tại các công ty cung cấp đào tạo cho quân đội Trung Quốc.
“Việc đào tạo và chuyên môn mà họ truyền đạt có được nhờ làm việc với quân đội đối tác và Lực lượng Phòng vệ New Zealand trước đây,” ông Hampton nói. "Hoạt động như vậy rõ ràng gây ra rủi ro lớn cho an ninh quốc gia (New Zealand)."