Nga hôm thứ Tư nói sẽ không để Mỹ thanh sát một phi đạn hành trình có năng lực hạt nhân mới nằm ở tâm điểm của một tranh chấp giữa Washington và Moscow, có nguy cơ làm đổ vỡ một hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính dấu mốc.
Washington đã đe dọa rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), cáo buộc rằng phi đạn mới của Nga, Novator 9M729 (được NATO gọi là SSC-8), vi phạm hiệp ước này, vốn cấm hai nước điều động phi đạn tầm trung đặt trên bộ ở Châu Âu.
Nga nói rằng phạm vi của phi đạn đặt nó hoàn toàn ngoài hiệp ước và không dài như Washington cáo buộc, nghĩa là Nga hoàn toàn tuân thủ INF. Nga đã cáo buộc Mỹ ngụy tạo cái cớ sai lạc để rút khỏi một hiệp ước mà họ vốn dĩ muốn rời bỏ để phát triển phi đạn mới.
Mỹ vào đầu tháng này đã ra tối hậu thư 60 ngày để Nga thú nhận về vi phạm bị cáo buộc và quay trở lại tuân thủ “một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được.” Điều này có nghĩa là Moscow chịu áp lực phải hủy bỏ phi đạn mới và các giàn phóng.
Tuy nhiên, Nga hôm thứ Tư nói họ không có ý định để các thanh sát viên Mỹ kiểm tra phi đạn này. Họ nói phi đạn chưa được thử nghiệm ở tầm xa hơn mà Washington cáo buộc.
“Chúng tôi không cảm thấy một bước đi như như vậy sẽ là chính đáng từ quan điểm chính trị hay kĩ thuật,” Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant đăng hôm thứ Tư.
Ông Ryabkov cáo buộc Washington về những nỗ lực “cực kì soi mói” để phơi bày hoạt động sản xuất phi đạn của Nga và nói rằng trước đây Washington đã từ chối các yêu cầu của Nga xem bên trong các tàu ngầm của Mỹ theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác.
Bất cứ một cuộc thanh sát nào như vậy - nếu diễn ra - không nên đơn phương mà nên diễn ra ở cả hai nước, ông nói thêm.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Daniel Coats hôm 30 tháng 11 nói rằng Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa 9M729 và rằng chúng đề ra mối đe dọa trực tiếp cho hầu hết Châu Âu và một số nơi ở Châu Á.
Các chuyên gia quân sự Nga vài ngày trước đã yêu cầu những người tương nhiệm phía Mỹ tổ chức các cuộc tham vấn về tranh chấp phi đạn, nhưng chưa nhận được bất kì phản hồi nào, ông Ryabkov nói.