Hôm thứ Sáu 6/10, Nga tỏ ý là họ đang tiến mau lẹ đến hành động rút lại việc họ từng phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra khả năng nối lại hoạt động thử hạt nhân.
Ông Putin nói hôm 5/10 rằng học thuyết hạt nhân của Nga - vốn đặt ra các điều kiện để ông nhấn nút hạt nhân - không cần phải cập nhật, nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng để nói liệu Moscow có cần nối lại các vụ thử hạt nhân hay không.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho hay Nga có thể xem xét động thái rút lại việc từng phê chuẩn CTBT vì Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn.
Nhà lập pháp hàng đầu của Nga, Vyacheslav Volodin, sau đó nói rằng Viện Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, sẽ nhanh chóng xem xét liệu có cần thiết phải rút lại việc Nga phê chuẩn hiệp ước hay không.
Các phát biểu của hai ông Putin và Volodin cho thấy Nga đang nghiêm chỉnh xem xét hành động rút lại việc phê chuẩn hiệp ước cấm mọi quốc gia thực hiện nổ hạt nhân ở mọi nơi.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng điểm chính ở đây là đạt được "mẫu số chung" giữa Nga và Mỹ. Ông nói với các phóng viên: “Điều này không tạo thành tuyên bố về ý định tiến hành các vụ thử hạt nhân”.
Tuy nhiên, chính ông Putin đã báo hiệu khả năng đó trong lời phát biểu của ông hôm 5/10. “Có một nguyên tắc, theo lời các chuyên gia, đó là với một loại vũ khí mới, ta cần đảm bảo rằng đầu đạn đặc biệt đó sẽ hoạt động mà không có sự cố gì”, ông Putin nói.
Việc Nga, Mỹ hoặc Trung Quốc nối lại các vụ thử hạt nhân có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc đã ngừng thử hạt nhân trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Đối với một số nhà khoa học và giới vận động, việc phô trương các cuộc thử bom hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh cho thấy sự điên rồ của chính sách hạt nhân bên miệng hố chiến tranh mà rốt cuộc có thể hủy diệt loài người và làm ô nhiễm hành tinh trong hàng trăm nghìn năm.
Nhưng cuộc chiến Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Washington lên mức cao nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, cũng đúng lúc Trung Quốc đang tìm cách củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình để tương xứng với vị thế là một siêu cường mới nổi.
Theo Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, Nga hiện có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân, so với 5.244 của Mỹ. Trung Quốc có 410 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225.
Từ năm 1945 đến khi có Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, Liên Hiệp Quốc cho hay có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện - 1.032 vụ của Mỹ và 715 vụ của Liên Xô.