Ngày Quốc tế Trẻ em gái: Giáo dục là trọng tâm

Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cùng nữ diễn viên Mỹ Meryl Streep và nữ diễn viên Ấn Độ Freida Pinto tham dự một buổi trò chuyện cùng các trẻ em gái ở Marrakech, Morocco, ngày 28 tháng 6 năm 2016.

11 tháng 10 kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Ngày này được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thành lập vào năm 2011 để công bố quyền của các em gái trên toàn thế giới và những thách thức đặc biệt các em phải đối mặt. Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama dùng ngày này để nhấn mạnh lời kêu gọi toàn cầu mang tên Hãy cho các Em gái Đi học.

Ca sĩ Andra Day là một trong vài phụ nữ nổi tiếng dùng giọng ca tiếng hát để quảng bá chương trình Hãy cho các Em gái Đi học. Chương trình này là một nỗ lực quốc tế nhằm tăng tiến giáo dục cho các em gái hiện không được đến trường.

Tại Tòa Bạch Ốc, ca sĩ Day cùng tham gia với Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, nữ diễn viên điện ảnh đoạt giải Oscar Meryl Streep, và 4 thiếu nữ trẻ đã được diện kiến Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama. Mùa hè năm ngoái bà Obama đã đến thăm 2 nước châu Phi Liberia và Morocco, và cho biết nhiều trẻ em gái tại đây không có cơ hội đến trường.

Ngày thứ Ba vừa qua bà Obama cho biết nhiều người đã đáp ứng lời kêu gọi hành động của chương trình này.

“Nhiều lần chúng tôi thấy dù đó là một nguyên thủ quốc gia, một Tổng giám đốc công ty, hay một thiếu nữ tại Mỹ…khi họ nghe chuyện của các em gái không được đến trường, ai cũng xúc động. Và họ phẫn nộ và trên hết là họ muốn giúp đỡ.”

Cũng vào ngày thứ Ba trong một bài xã luận đăng trên CNN.com, bà Obama kêu gọi ủng hộ chương trình Hãy cho các Em gái Đi học, một nỗ lực toàn cầu để tăng tiến giáo dục cho các em gái chưa được đến trường.

Đệ nhất Phu nhân nhắc lại bà được tạo cảm hứng để thành lập chương trình này sau khi gặp em Malala Yousafzai cách đây vài năm. Em Malala bị các phần tử hiếu chiến Taliban tại Pakistan bắn vào đầu khi đang tìm cách đến trường.

Bà Obama nói “Tôi thấy những tay khủng bố bắn em suýt chết để làm em im tiếng, giết chết tham vọng của em và lấy đi sức mạnh của em.” Bà Obama nói thêm “Có hàng chục triệu em gái như Malala tại khắp nơi trên thế giới không được đi học—những em gái rất thông minh, chăm chỉ và khát khao học hỏi.”

Bà Obama nói bà chính là một tấm gương sống động cho thấy ước mơ của các em gái có thể trở thành hiện thực. Bà nói cha mẹ bà cũng như hầu hết những người trong khu vực bà lớn lên tại Chicago đều không có cơ hội học đại học. Tuy nhiên bà Obama đã có thể tốt nghiệp hai trường có uy tín nhất trên thế giới là Trường đại học Princeton và Trường Luật Harvard, nhờ “làm việc cật lực và được trợ giúp nhiều về tài chánh.”

Trước khi trình chiếu một bộ phim tài liệu mới của kênh truyền hình CNN về chương trình này, nữ diễn viên điện ảnh Meryl Streep nói với các cử tọa là cách nhìn nhận đối với các em gái phải thay đổi, để thế giới tốt đẹp hơn.

“Toàn thể gia đình phải cùng ủng hộ chương trình, gia đình của nhân loại. Đó là điều tôi hy vọng. Tôi nghĩ chúng ta cần giúp các em trai hiểu được là phải mở rộng cánh cửa, không phải là vì cử chỉ lịch sự đối với phụ nữ, mà là để cho một nửa dân số được tiếp cận giáo dục.”

Những thiếu nữ trẻ cùng chia sẻ sân khấu với bà Streep mô tả cảnh tượng phải đi bộ vài kilômét để đến trường học.

Dù có nhiều trở ngại nhưng các em đã có một hành trình ấn tượng bên trong lớp học.

“Chúng tôi có một cô gái trong nhóm từ Morocco đến làm những việc về cơ khí. Cô sẽ bắt đầu mở một cơ sở sửa xe điều chúng tôi nghĩ là chỉ dành riêng cho con trai.”

Cô Janette nói:

“Các bạn rất quan trọng đối với xã hội này. Do đó từ nhỏ bạn cần biết được điều đó và biết rằng mình sẽ là một nhân vật nào đó trong tương lai. Có thể hiện nay bạn đang nghĩ bạn không là gì cả. Nhưng trong tương lai bạn sẽ đóng một vai trò.”

Dù không có được quyền hành trong tư cách là Đệ nhất Phu nhân để làm luật và lập ngân sách, bà Obama nói sáng kiến Hãy cho các Em gái Đi học được phát động vào năm ngoái đã phát triển mạnh. Các quốc gia và một số công ty và tổ chức lớn nhất trên thế giới đã hiến tặng tiền bạc và các nguồn lực cho chương trình. Canada, Mexico và các nước Bắc Âu đang hợp tác và những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh hứa tặng gần 600 triệu đôla. Hoa Kỳ đang đầu tư hơn 1 tỉ đôla và Ngân hàng Thế giới sẽ đầu tư hơn 2 tỉ đôla vào chương trình này trong vòng 5 năm tới.