Ngay sau kỷ niệm hiệp ước biên giới với Việt Nam, Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Một đội tàu Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 12/2016

Trung Quốc thông báo tập trận từ ngày 24 đến 30/8 ở gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp với Việt Nam, chỉ một ngày sau khi hai nước kỷ niệm rầm rộ 20 năm thực thi Hiệp ước Biên giới trên đất liền.

Theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, được Nhân Dân Nhật Báo của nước này đăng lại, các điểm tập trận có tọa độ ở vùng đông nam đảo Hải Nam và đông bắc quần đảo Hoàng Sa.

Cục hải sự Hải Nam cũng cảnh báo tàu thuyền không có phận sự phải đi lại cách các điểm tập trận 5 hải lý (gần 9,3 kilomet).

Ở thời điểm bản tin này được đăng, Việt Nam chưa thể hiện thái độ chính thức. Trước đó, khi Trung Quốc tập trận ở phía bắc Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7, Hà Nội đã nhanh chóng phản ứng. Theo đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay hôm 2/7 rằng họ đã “giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”.

Phải giải quyết được vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mới giải quyết được các tranh chấp liên quan. Đây là vấn đề rất khó. Việc đàm phán có thể kéo dài hàng chục năm, nếu không nói là hàng trăm năm.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp


Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, vào đầu năm 1974. Nước Việt Nam thống nhất sau đó, nay mang tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền về quần đảo.

Chỉ một ngày trước khi cuộc tập trận bắt đầu, hôm 23/8, các quan chức cao cấp của Trung Quốc và Việt Nam làm lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm ngày ký Hiệp ước Biên giới đất liền giữa hai nước. Buổi lễ được tổ chức tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Việt Nam - Đông Hưng, Trung Quốc.

Các báo Việt Nam cho hay hai quan chức hàng đầu chủ trì lễ kỷ niệm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Về phía Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói việc hai nước ký kết Hiệp ước Biên giới năm 1999 và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2008 đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước “đã hoạch định được đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, chính xác”, khép lại quá trình 36 năm đàm phán.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá rằng “đây là kinh nghiệm quý báu của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ”.

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại lễ kỷ niệm 20 năm hiệp ước biên giới

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được báo chí Việt Nam dẫn lời phát biểu rằng “việc hai bên giải quyết ổn thỏa các vấn đề biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm quý báu để giải quyết vấn đề trên biển”.

Còn theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi ra sau buổi lễ, ông Vương đã thúc giục Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông.

“Chúng ta phải phát huy cách giải quyết thành công các vấn đề biên giới trên bộ để tìm cách sớm dàn xếp các tranh chấp trên biển … Hai nước có khả năng và sự thông thái để tiếp tục đàm phán về các vấn đề trên biển”, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hà Nội có hành động riêng để bảo vệ lợi ích của mình. Đó là phát huy nội lực và thúc đẩy quan hệ với các nước có chung nhận thức chiến lược, như Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, những diễn biến này làm cho tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc càng trở nên khó giải quyết hơn.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp


Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc có độ phức tạp gấp nhiều lần các vấn đề trên bộ, và cuộc tập trận đang diễn ra của Trung Quốc càng nêu bật lên sự phức tạp này.

Dù hai nước đã phân định được Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000, nhưng họ vẫn bế tắc về vùng biển cửa vịnh sau hàng chục năm đàm phán, do khác biệt quan điểm và mấu chốt nhất là tranh chấp về quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với VOA.

“Phải giải quyết được vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mới giải quyết được các tranh chấp liên quan. Đây là vấn đề rất khó. Việc đàm phán có thể kéo dài hàng chục năm, nếu không nói là hàng trăm năm”, tiến sĩ Hiệp nhận định.

Nhìn vào lời thúc giục đàm phán do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak đánh giá rằng Trung Quốc muốn Việt Nam đàm phán song phương, không quốc tế hóa và không để các quốc gia bên ngoài tham gia, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng tăng lên.

Ông Hiệp cho rằng ý định này của Trung Quốc sẽ có ít tác dụng vì nước này tiếp tục hành động không nhất quán, vẫn gây sức ép hoặc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà cuộc tập trận ở gần Hoàng Sa trong tuần này là một ví dụ nữa.

“Việt Nam nhận thức được sự bất nhất của Trung Quốc, và Hà Nội có hành động riêng để bảo vệ lợi ích của mình. Đó là phát huy nội lực và thúc đẩy quan hệ với các nước có chung nhận thức chiến lược, như Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, những diễn biến này làm cho tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc càng trở nên khó giải quyết hơn”, tiến sĩ Hiệp nói với VOA.