Ngày Tết nói chuyện tuổi già

Ai đã từng đón Tết ở Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc bộ, thì đều biết tập quán chúc Tết. Sau thời khắc giao thừa, mọi người gặp nhau đều có câu cửa miệng là câu chúc Tết, trước khi đi vào chủ đề chính. Khác với câu chúc thường nghe trong văn hoá phương Tây là “happy new year” – tức là năm mới hạnh phúc - chúc Tết ở Việt Nam có rất nhiều câu chúc khác nhau, nhiều câu khá dài dòng. Tuy nhiên, tựu trung lại thì cũng xoay quanh các chủ đề như phúc (hạnh phúc, nhiều con cái), lộc (nhiều tiền tài, danh tiếng), và thọ (khoẻ mạnh, sống lâu). Đối với người già, có lẽ thọ là câu chúc phổ biến nhất.

Ai cũng phải già đi, có sinh thì phải có diệt. Điều này được con người chấp nhận như một quy luật của trời đất. Có nhiều người muốn tìm cách thoát khỏi quy luật này, nhưng đều không thành công. Thời xưa nhiều người muốn đi tìm các thứ thuốc làm con người trường thọ, trẻ mãi không già. Đương nhiên là chẳng có ai tìm được.

Có quy luật về lão hoá?

Lão hoá là gì? Có thể định nghĩa nó là một thuộc tính theo đó xác suất tử vong của một cá thể trưởng thành tăng dần theo thời gian. Đây là cách mà các hãng bảo hiểm dùng để tính mức phí bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng. Người nhiều tuổi hơn thì khả năng tử vong cao hơn người trưởng thành trẻ tuổi hơn.

Nếu có một sinh vật không bị lão hoá, hay gọi là “bất tử” (immortal), thì không có nghĩa sinh vật đó không bao giờ chết. Nó chỉ đơn giản là sinh vật đó không bao giờ già đi. Nói cách khác, xác suất tử vong của sinh vật này không tăng theo thời gian.

Nhưng cái gì kiểm soát quá trình lão hoá? Tại sao lại cần phải có quá trình này? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng trả lời nó không dễ.

Khoa học về gene thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ liên quan đến hiểu biết của con người về lão hoá. Giải Nobel về y học năm 2009 được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ về các phát kiến trong lĩnh vực này. Theo tuần báo Time, trong tế bào của người có những chuỗi phân tử DNA dài gọi là chromosomes. Mỗi chromosome có hai “nắp” bảo vệ ở hai đầu được gọi là telemeres – giống như một dây buộc dày có hai nút nhựa bảo vệ ở hai đầu. Mỗi lần tế bào tự nhân đôi (replicate) thì các telemeres lại bị ngắn đi. Các telemeres bị ngắn đi được cho là làm cho xác suất tử vong cao lên gắn liền với các bệnh tật của tuổi già. Nói một cách đơn giản, lão hoá là do các telemeres ngắn đi.

Nhưng cái gì làm cho các telemeres ngắn đi khi tế bào nhân đôi và khiến con người lão hoá? Gần đây một nhóm nghiên cứu người Anh và Hà Lan đã tìm ra một chuỗi gene đặc biệt liên quan đến độ dài của telemeres. Chuỗi gene này nằm sát gần một gene có tên là TERC, là gene có ảnh hưởng tới quá trình sửa chữa các telemeres.

Các nhà nghiên cứu này tìm thấy rằng có 38% những người trong mẫu nghiên cứu có chuỗi gene đặc biệt này, và có 7% có đến 2 chuỗi gene này. Những người có một chuỗi gene đặc biệt này thì già hơn những người không có chuỗi gene này đến 3 tới 4 tuổi xét về mặt sinh học (có nghĩa là các telemeres của họ ngắn hơn người cùng tuổi nhưng không có chuỗi gene đặc biệt này). Còn những người có tới hai chuỗi gene đặc biệt trên thậm chí còn già hơn những người không có tới 7-8 tuổi xét về mặt sinh học.

Ngoài TERC ra, các nhà khoa học cho rằng khả năng còn nhiều gene nữa quy định quá trình lão hoá ở con người. Những gene này chưa được phát hiện. Tuy nhiên, dù là nhiều hay ít, thì chúng ta cũng biết được rằng quá trình lão hoá là một quá trình mặc định sẵn trong gene di truyền của chúng ta. Điểm kỳ lạ là có vẻ như các gene này ngoài chức năng quy định quá trình lão hoá thì không có chức năng gì khác.

Nói khác đi, khi con người, và nói rộng ra là tuyệt đại đa số các loài sinh vật xuất hiện, thì “người” tạo ra nó đã đặt vào đó một thứ mật mã, và thứ mật mã này không có chức năng gì khác ngoài việc làm cho sinh vật này bị lão hoá và vì thế sẽ chết đi sau một thời gian nhất định. Tại sao phải đặt vào cấu tạo của sinh vật thứ mật mã “ác nghiệt” này? Đó là câu hỏi tới giờ vẫn chưa có câu trả lời hợp lý.

Có sinh vật nào bất tử hay không?

Có sinh vật nào trên địa cầu này không chịu sự tác động của quy luật lão hoá hay không? Một số loài cây có thể sống nhiều nghìn năm, và thông qua cơ chế sinh sản qua hình thức nhân bản vô tính (cloning), một số loài cây có thể “sống” hàng chục nghìn năm. Thí dụ cây dương (aspen) vừa có khả năng sinh sản hữu tính - tức là ra hoa và thụ phấn, thành hạt và phát tán – vừa có khả năng sinh sản vô tính từ đầu rễ của nó. Một cây dương có thể sống khoảng 200 năm. Nhưng nếu tính cá thể được nhân bản vô tính và cá thể gốc là một (cách mà các nhà khoa học vẫn nhìn nhận), thì gần như cá thể cây dương có thể sống bất tử. Cây dương Pando ở Utah được cho là có tuổi thọ 80 nghìn năm, thậm chí nhiều người tin rằng nó còn có tuổi thọ gấp mười lần con số đó.

Loài dương sống “bất tử” bằng cách tạo ra nhân bản vô tính thực ra cũng không phải là bất tử theo nghĩa mà con người muốn cho mình. Cá thể một cây dương, không tính nhân bản của nó, vẫn già đi và chết. Vì thế nó cũng không thực sự là một trường hợp thú vị đối với con người trên con đường tìm kiếm sự bất tử.

Gần đây loài người cũng tìm ra một động vật thực sự được coi là bất tử theo nghĩa xác suất tử vong của sinh vật này không tăng theo thời gian. Đó là con “sứa bất tử”. Sứa bất tử trưởng thành có thể khởi động một quá trình theo đó cơ thể nó sẽ quay trở lại thời kỳ còn là phôi. Nói nôm na, nó giống như một con bướm trưởng thành có thể trở thành một con nhộng trong kén. Quá trình này có thể lặp đi lặp lại vô tận, tạo cho sứa bất tử có khả năng sống bất tử. Cho đến nay, nó được coi là động vật bất tử duy nhất trên Trái Đất hiện nay.

Nếu sứa bất tử có thể thoát khỏi thứ “mật mã chết” mà tuyệt đại bộ phận sinh vật trên trái đất đều có, thì liệu con người có tìm được cách nào để thoát khỏi vòng sinh tử hay không?


Năm 2045 con người sẽ bất tử?

Thời nay, cuộc sống vật chất ngày càng tiến bộ và tiến bộ của y học hiện đại khiến tuổi thọ trung bình của con người được kéo dài hơn nhiều so với thời trước. Nhưng kéo dài hơn vài chục năm không có nghĩa là chiến thắng được quy luật sinh tử. Việc tìm hiểu và giải mã bản đồ gene cũng cho biết các gene quy định sự lão hoá, nhưng từ đó tiến đến chỗ can thiệp vào các gene này để kéo dài tuổi thọ hoặc để bất tử thì vẫn còn là chuyện xa vời.

Thế nhưng có những người lại dũng cảm tiên đoán rằng đến năm 2045 thì con người sẽ bất tử. Và những người này phần lớn lại không phải dân nghiên cứu về sinh học.

Họ là các “tín đồ” của một học thuyết khoa học gọi là “điểm kỳ dị” (singularity). Những người này (toàn là những người đặc biệt thông minh chứ không phải mê tín) cho rằng máy móc sẽ ngày càng thông minh. Thực tế hiện nay là máy tính ngày càng nhanh hơn, và nhanh hơn với tốc độ nhanh hơn. Và như thế, khi quá trình này tiếp tục, sẽ đến một thời điểm khi máy móc có khả năng ngang bằng với người. Và từ thời điểm đó trở đi, không có lý do gì để không tin rằng máy móc sẽ tiếp tục thông minh hơn nữa, và trở nên ưu việt hơn con người. Đó được gọi là thời điểm kỳ dị (singularity).

Điều gì sẽ xảy ra? Máy móc khi đó sẽ có thể huỷ diệt con người như trong phim ảnh mà Hollywood vẫn làm. Nhưng nhiều tín đồ của điểm kỳ dị thì cho rằng khi đó loài người sẽ nhất thể hoá với máy móc, và sẽ không còn loài người giống như thời điểm ngày hôm nay. Chúng ta sẽ kết hợp với máy móc để trở thành một dạng người siêu thông minh, chúng ta có thể “quét” toàn bộ thông tin trong não của chúng ta, chuyển vào hệ thống máy tính, và sống bất tử với các bộ não nhân tạo và cơ thể nhân tạo, hoặc đơn giản hơn là sống trong thế giới “ảo” mà chẳng cần phải có cơ thể vật lý.

Và có lẽ đó sẽ là cách mà con người thực sự vượt khỏi vòng sinh tử? Giả sử thời điểm đó đến, và trong số chúng ta, nếu còn sống, có ai muốn thử cuộc sống bất tử đó hay không? Ngay từ bây giờ đã có nhiều người giơ tay rồi. Gần đây đã xuất hiện nhiều công ty cung cấp dịch vụ cho những người già giàu có. Dịch vụ đó gọi là Cryonics – tức là dịch vụ ướp thân xác (hoặc chỉ nguyên chiếc đầu) trong dung dịch nytrogen lỏng và đóng tiền để vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai, cơ thể này được làm “hồi sinh” – đương nhiên là theo cách giống như của các tín đồ điểm kỳ dị - khi công nghệ đã cho phép con người có thể “sống lại” và sống bất tử cùng với máy móc.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.