HOUSTON, TEXAS —
Tại Hoa Kỳ, với những phương tiện y khoa tân tiến, ít người Mỹ nghĩ đến việc đi khám bệnh với một đông y sĩ (ĐYS) hay dùng đông dược. Tuy nhiên tại những vùng đông dân gốc Việt như Houston, Tiểu bang Texas, ngành đông y không quá xa lạ với người gốc Việt hay gốc Á châu. Theo ĐYS Cảnh Thiên, người đang hành nghề tại Houston với hơn 40 năm kinh nghiệm, thì hiện có khoảng một trăm đông y sĩ đang hành nghề đông y và châm cứu tại thành phố này.
Trên nguyên tắc, luật pháp Hoa kỳ đòi hỏi một số điều kiện cho một người hành nghề ĐYS hay mở nhà thuốc đông y. ĐYS Cảnh Thiên giải thích:
“Tại Hoa Kỳ nói chung, tiểu Bang Texas nói riêng, muốn hành nghề đông y trước hết phải tốt nghiệp đại học (bằng Bachelor) mới được nhận vào trường đông y. Ở Houston, Texas có trường American College of Acupuncture and Oriental Medicine. Thời gian học mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Sau cùng phải thi lấy bằng Master of Science. Chưa hết, muốn ra hành nghề còn phải học và thi lấy thêm bằng hành nghề đông y (Texas Board Licensing). Riêng việc mở cửa hàng để bán thuốc thành phẩm thì chỉ xin giấy phép kinh doanh là đủ.”
Một ĐYS khác đang có phòng mạch và một nhà thuốc tại Houston là ông Nhất Nguyên. ĐYS Nhất Nguyên cho biết là trường đông y American College of Acupuncture and Oriental Medicine tại Houston cũng hợp tác với một số bệnh viện tây y tại đây cho sinh viên thực tập:
“Trong ngành đông y hiện tại ở Houston có liên kết với một số bệnh viện lớn, thậm chí ngay cả bệnh viện MD Anderson thì trường cũng có liên lạc làm việc ở đó và một số bệnh viện như Methodist Hospital, University of Houston Clear Lake Health Center và Hope Clinic thì trường có gửi sinh viên thực tập các nơi đó.”
ĐYS Nhất Nguyên chia sẻ rằng trên thực tế có một số người vẫn hành nghề không có giấy phép:
“Nghề đông y nói bao quát thì cần có bằng cấp và giấy phép hành nghề, nhưng thực tế thì vẫn có những người không có bằng cấp và không có giấy phép hành nghề vì những lý do có thể là không có điều kiện để học, không có thời gian hay tuổi lớn rồi thì họ vẫn hành nghề...”
Nhiều người thường thắc mắc và so sánh về những ưu khuyết điểm giữa y Khoa tây phương và đông phương, ĐYS Cảnh Thiên cho rằng tây y và đông y đều có những ưu điểm cũng như khuyết điểm quan trọng trong học thuật và phương pháp trị bệnh mà danh từ chuyên môn gọi là lâm sàng:
“Tây y trông cậy vào các phương tiện khoa học thực nghiệm như là mô học, huyết học, thần kinh học, vi trùng học, xét nghiệm, phim ảnh … Các bác sĩ dựa vào kết quả đó mà chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Câu hỏi đặt ra: Nếu không có bất kỳ một phương tiện y khoa nào trợ lực thì liệu chừng bác sĩ có giải quyết tốt hay không? Trong khi đó, đông y dựa vào học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Bát cương, Bát pháp, Tứ chẩn để chẩn đoán và quyết định pháp điều trị thích hợp. Có thuốc thì dùng thuốc, không có, thì châm cứu, ấn huyệt, xoa bóp. Nhờ vậy mà đông y cứu được rất nhiều người trong cơn nguy cấp, tuy thiếu thốn mọi bề.
Về lâm sàng học: tây y có phương pháp giải phẫu, đông y thì không. Ðây là khuyết điểm của đông y, không có khả năng trong những trường hợp cần phải giải phẫu.”
Ông Cảnh Thiên nói thêm về sự khác biệt trong việc sử dụng thuốc :
“Tây y sử dụng thuốc men dựa trên nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều cuộc thí nghiệm nghiêm ngặt, dùng số lượng ít nhưng tác dụng mạnh, có chỉ định và chống chỉ định cho từng trường hợp bệnh lý. Trong khi đông y sử dụng dược liệu dựa theo kinh nghiệm lâm sàng từ hằng nghìn năm lưu truyền, thực tế vẫn có ít nhiều khuyết điểm về tính an toàn, khá bất tiện vì phải dùng số lượng nhiều, khó thích nghi đối với người Hoa Kỳ trừ phi không còn cách chọn lựa nào khác.”
Một sự kiện đáng chú ý là gần đây cũng có nhiều bác sĩ tây y để ý nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đông y để chữa bệnh, đặc biệt là ngành châm cứu. Bác sĩ Trần Đông Giang là một bác sĩ chuyên khoa về thuốc mê với hơn 30 năm kinh nghiệm tại một bệnh viện ở Houston. Ông còn tốt nghiệp trường đông y tại đây và hơn 10 năm nay ông cũng áp dụng thêm môn châm cứu cho bệnh nhân. Ông chia sẻ sự khác biệt giữa đông y và tây y như sau:
“Đông y là một môn học cổ truyền và rất hay. Chính vì biết nó hay nên tôi mới đi học. Cách chữa trị của đông y hoàn toàn khác với tây y, nhất là về phương pháp điều trị. Đông y dựa trên khí huyết, kết hợp âm dương và ngũ hành, rồi mới luận ra kết quả và đông y nhìn vấn đề với tính cách bao quát trước khi đi thẳng vào một vấn đề. Người ĐYS phải tự mình chẩn bệnh, dùng tất cả các phương pháp như là vọng, văn, vấn, thiết, chẳng hạn, sau đó tự mình ra toa và phương thức chữa trị riêng của mình và lý luận theo sự hiểu biết riêng nữa. Trong khi tây y nhìn thẳng vào vấn đề, đào sâu vào vấn đề, cho nên tây y cần phải có nhiều bác sĩ chuyên môn khác nhau và có lợi điểm là được kiểm chứng lại bệnh, hay giúp đỡ định bệnh một cách chính xác bằng những thử nghiệm, nhưng mà có một cái kẹt là vì dựa vào thử nghiệm kỹ thuật nhiều quá cho nên đôi khi các bác sĩ tây y đi xa dần cách chẩn bệnh lâm sàng.”
Bác sĩ Giang quan ngại về phẩm chất của các dược thảo, nhất là vì kỹ thuật bảo quản của nhiều nhà sản xuất ở Á châu bây giờ:
“Đông y dựa vào thảo mộc thiên nhiên, nên các liều lượng của nó thay đổi tùy theo chất đó, cây đó mọc ở vùng nào và như vậy không có rõ ràng. Kèm vào đó có một sự rất là nguy hiểm là trong quá trình trồng trọt cây đó, cây cối hấp thụ nhiều chất kim loại nặng nguy hiểm như chì, thạch tín, thủy ngân,đồng chẳng hạn mà nó không được tách ra khỏi các thuốc đó, tức là người ta uống thuốc, người ta uống luôn cả các chất kim loại đó. Và còn nguy hiểm hơn nữa, theo rất nhiều thống kê cho thấy, báo chí ngay cả báo chí Việt Nam, cho thấy là bây giờ họ dùng thuốc giết sâu bọ xịt vào thuốc đang phơi rồi họ dùng lưu huỳnh để bảo quản...”
ĐYS Cảnh Thiên, đồng thời là chủ nhà bào chế thuốc Hoa Đà tại Houston, cũng rất quan tâm đến phẩm chất của các dược phẩm đông y. Ông chia sẻ:
“Nguồn dược liệu của Ðông y tại Hoa Kỳ cũng như các nước Á Châu kể cả Việt Nam, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Như chúng ta biết Trung Quốc hiện nay là cái nôi của mọi thứ giả mạo, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm rất tự do, vô luật lệ, kể cả trong cây cỏ làm thuốc dưới dạng phân bón. Các dược phòng đông y không có khả năng kiểm phẩm. Chỉ còn một cách duy nhất là đến thẳng Trung Quốc, quan sát kỹ thuật nuôi trồng dược liệu của các nông trại lớn và đặt mua trực tiếp nếu thấy đủ tiêu chuẩn an toàn sức khỏe.”
Với những chương trình bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ, bệnh nhân tìm sự chữa trị trong nghành đông y, thường không được bảo hiểm đài thọ phần chi phí, tuy nhiên không ít người vẫn tìm đến đông y trong cơn nguy biến. ĐYS Cảnh Thiên chia sẻ:
“Bệnh nhân của các ĐYS, dẫn đầu là các sắc dân gốc Á Châu gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Lào, và Ấn Ðộ, sau đó là các sắc dân Trung Ðông như Pakistan, Afghanistan vân vân cuối cùng là người Mỹ. Tuy nhiên, hơn 15 năm trở lại đây, tôi thấy số lượng người Mỹ chữa bệnh với tôi nhiều hơn.”
ĐYS Cảnh Thiên cho rằng hiện tại ngành đông y chưa được công nhận ngang hàng với tây y tại Hoa Kỳ và ông cho rằng ngành đông y cần cải tiến để phù hợp với điều kiện xã hội kinh tế tại Hoa Kỳ. Ông nói:
“Chính Phủ Hoa Kỳ cũng nên xem xét lại chính sách đối xử thiếu công bằng với ngành đông y. Nếu được như vậy thì đây là điều kiện cho giới trẻ kế thừa kinh nghiệm ngành y học cổ truyền để nó kết hợp với tây y và tôi nghĩ rằng trong tương lai nền y học sẽ cải biến hơn và tốt đẹp hơn và không còn phân biệt giữa đông y và tây y nữa. Theo tôi, các thầy thuốc đông y cũng cần phải học tập thêm, có nghĩa là cần trở lại các trường lớp chính quy để học đầy đủ những chương trình, môn học mà mình còn yếu kém.”
Bác sĩ Giang cũng cho rằng ngành đông y cần thay đổi nhiều để phát triển tại Hoa Kỳ:
“Đông y là một ngành y khoa có từ lâu đời và đã, không ít thì nhiều, chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó nhưng dĩ nhiên có nhiều điều cẩn sửa đổi, tôi mong rằng thứ nhất là việc kiểm soát hành nghề đông y cần phải chặt chẽ hơn… Để có một chỗ đứng vững vàng trong tương lai thì đông y phải có thêm nhiều nghiên cứu bằng phương pháp khoa học thực nghiệm rõ ràng thì đông y mới có thể phát triển mạnh tại bên Mỹ này.”
Your browser doesn’t support HTML5
Tại Hoa Kỳ, với những phương tiện y khoa tân tiến, ít người Mỹ nghĩ đến việc đi khám bệnh với một đông y sĩ (ĐYS) hay dùng đông dược. Tuy nhiên tại những vùng đông dân gốc Việt như Houston, Tiểu bang Texas, ngành đông y không quá xa lạ với người gốc Việt hay gốc Á châu. Theo ĐYS Cảnh Thiên, người đang hành nghề tại Houston với hơn 40 năm kinh nghiệm, thì hiện có khoảng một trăm đông y sĩ đang hành nghề đông y và châm cứu tại thành phố này.
Trên nguyên tắc, luật pháp Hoa kỳ đòi hỏi một số điều kiện cho một người hành nghề ĐYS hay mở nhà thuốc đông y. ĐYS Cảnh Thiên giải thích:
“Tại Hoa Kỳ nói chung, tiểu Bang Texas nói riêng, muốn hành nghề đông y trước hết phải tốt nghiệp đại học (bằng Bachelor) mới được nhận vào trường đông y. Ở Houston, Texas có trường American College of Acupuncture and Oriental Medicine. Thời gian học mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Sau cùng phải thi lấy bằng Master of Science. Chưa hết, muốn ra hành nghề còn phải học và thi lấy thêm bằng hành nghề đông y (Texas Board Licensing). Riêng việc mở cửa hàng để bán thuốc thành phẩm thì chỉ xin giấy phép kinh doanh là đủ.”
Một ĐYS khác đang có phòng mạch và một nhà thuốc tại Houston là ông Nhất Nguyên. ĐYS Nhất Nguyên cho biết là trường đông y American College of Acupuncture and Oriental Medicine tại Houston cũng hợp tác với một số bệnh viện tây y tại đây cho sinh viên thực tập:
“Trong ngành đông y hiện tại ở Houston có liên kết với một số bệnh viện lớn, thậm chí ngay cả bệnh viện MD Anderson thì trường cũng có liên lạc làm việc ở đó và một số bệnh viện như Methodist Hospital, University of Houston Clear Lake Health Center và Hope Clinic thì trường có gửi sinh viên thực tập các nơi đó.”
ĐYS Nhất Nguyên chia sẻ rằng trên thực tế có một số người vẫn hành nghề không có giấy phép:
“Nghề đông y nói bao quát thì cần có bằng cấp và giấy phép hành nghề, nhưng thực tế thì vẫn có những người không có bằng cấp và không có giấy phép hành nghề vì những lý do có thể là không có điều kiện để học, không có thời gian hay tuổi lớn rồi thì họ vẫn hành nghề...”
Nhiều người thường thắc mắc và so sánh về những ưu khuyết điểm giữa y Khoa tây phương và đông phương, ĐYS Cảnh Thiên cho rằng tây y và đông y đều có những ưu điểm cũng như khuyết điểm quan trọng trong học thuật và phương pháp trị bệnh mà danh từ chuyên môn gọi là lâm sàng:
“Tây y trông cậy vào các phương tiện khoa học thực nghiệm như là mô học, huyết học, thần kinh học, vi trùng học, xét nghiệm, phim ảnh … Các bác sĩ dựa vào kết quả đó mà chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Câu hỏi đặt ra: Nếu không có bất kỳ một phương tiện y khoa nào trợ lực thì liệu chừng bác sĩ có giải quyết tốt hay không? Trong khi đó, đông y dựa vào học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Bát cương, Bát pháp, Tứ chẩn để chẩn đoán và quyết định pháp điều trị thích hợp. Có thuốc thì dùng thuốc, không có, thì châm cứu, ấn huyệt, xoa bóp. Nhờ vậy mà đông y cứu được rất nhiều người trong cơn nguy cấp, tuy thiếu thốn mọi bề.
Về lâm sàng học: tây y có phương pháp giải phẫu, đông y thì không. Ðây là khuyết điểm của đông y, không có khả năng trong những trường hợp cần phải giải phẫu.”
Ông Cảnh Thiên nói thêm về sự khác biệt trong việc sử dụng thuốc :
“Tây y sử dụng thuốc men dựa trên nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều cuộc thí nghiệm nghiêm ngặt, dùng số lượng ít nhưng tác dụng mạnh, có chỉ định và chống chỉ định cho từng trường hợp bệnh lý. Trong khi đông y sử dụng dược liệu dựa theo kinh nghiệm lâm sàng từ hằng nghìn năm lưu truyền, thực tế vẫn có ít nhiều khuyết điểm về tính an toàn, khá bất tiện vì phải dùng số lượng nhiều, khó thích nghi đối với người Hoa Kỳ trừ phi không còn cách chọn lựa nào khác.”
Một sự kiện đáng chú ý là gần đây cũng có nhiều bác sĩ tây y để ý nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đông y để chữa bệnh, đặc biệt là ngành châm cứu. Bác sĩ Trần Đông Giang là một bác sĩ chuyên khoa về thuốc mê với hơn 30 năm kinh nghiệm tại một bệnh viện ở Houston. Ông còn tốt nghiệp trường đông y tại đây và hơn 10 năm nay ông cũng áp dụng thêm môn châm cứu cho bệnh nhân. Ông chia sẻ sự khác biệt giữa đông y và tây y như sau:
“Đông y là một môn học cổ truyền và rất hay. Chính vì biết nó hay nên tôi mới đi học. Cách chữa trị của đông y hoàn toàn khác với tây y, nhất là về phương pháp điều trị. Đông y dựa trên khí huyết, kết hợp âm dương và ngũ hành, rồi mới luận ra kết quả và đông y nhìn vấn đề với tính cách bao quát trước khi đi thẳng vào một vấn đề. Người ĐYS phải tự mình chẩn bệnh, dùng tất cả các phương pháp như là vọng, văn, vấn, thiết, chẳng hạn, sau đó tự mình ra toa và phương thức chữa trị riêng của mình và lý luận theo sự hiểu biết riêng nữa. Trong khi tây y nhìn thẳng vào vấn đề, đào sâu vào vấn đề, cho nên tây y cần phải có nhiều bác sĩ chuyên môn khác nhau và có lợi điểm là được kiểm chứng lại bệnh, hay giúp đỡ định bệnh một cách chính xác bằng những thử nghiệm, nhưng mà có một cái kẹt là vì dựa vào thử nghiệm kỹ thuật nhiều quá cho nên đôi khi các bác sĩ tây y đi xa dần cách chẩn bệnh lâm sàng.”
Bác sĩ Giang quan ngại về phẩm chất của các dược thảo, nhất là vì kỹ thuật bảo quản của nhiều nhà sản xuất ở Á châu bây giờ:
“Đông y dựa vào thảo mộc thiên nhiên, nên các liều lượng của nó thay đổi tùy theo chất đó, cây đó mọc ở vùng nào và như vậy không có rõ ràng. Kèm vào đó có một sự rất là nguy hiểm là trong quá trình trồng trọt cây đó, cây cối hấp thụ nhiều chất kim loại nặng nguy hiểm như chì, thạch tín, thủy ngân,đồng chẳng hạn mà nó không được tách ra khỏi các thuốc đó, tức là người ta uống thuốc, người ta uống luôn cả các chất kim loại đó. Và còn nguy hiểm hơn nữa, theo rất nhiều thống kê cho thấy, báo chí ngay cả báo chí Việt Nam, cho thấy là bây giờ họ dùng thuốc giết sâu bọ xịt vào thuốc đang phơi rồi họ dùng lưu huỳnh để bảo quản...”
ĐYS Cảnh Thiên, đồng thời là chủ nhà bào chế thuốc Hoa Đà tại Houston, cũng rất quan tâm đến phẩm chất của các dược phẩm đông y. Ông chia sẻ:
“Nguồn dược liệu của Ðông y tại Hoa Kỳ cũng như các nước Á Châu kể cả Việt Nam, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Như chúng ta biết Trung Quốc hiện nay là cái nôi của mọi thứ giả mạo, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm rất tự do, vô luật lệ, kể cả trong cây cỏ làm thuốc dưới dạng phân bón. Các dược phòng đông y không có khả năng kiểm phẩm. Chỉ còn một cách duy nhất là đến thẳng Trung Quốc, quan sát kỹ thuật nuôi trồng dược liệu của các nông trại lớn và đặt mua trực tiếp nếu thấy đủ tiêu chuẩn an toàn sức khỏe.”
Với những chương trình bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ, bệnh nhân tìm sự chữa trị trong nghành đông y, thường không được bảo hiểm đài thọ phần chi phí, tuy nhiên không ít người vẫn tìm đến đông y trong cơn nguy biến. ĐYS Cảnh Thiên chia sẻ:
“Bệnh nhân của các ĐYS, dẫn đầu là các sắc dân gốc Á Châu gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Lào, và Ấn Ðộ, sau đó là các sắc dân Trung Ðông như Pakistan, Afghanistan vân vân cuối cùng là người Mỹ. Tuy nhiên, hơn 15 năm trở lại đây, tôi thấy số lượng người Mỹ chữa bệnh với tôi nhiều hơn.”
ĐYS Cảnh Thiên cho rằng hiện tại ngành đông y chưa được công nhận ngang hàng với tây y tại Hoa Kỳ và ông cho rằng ngành đông y cần cải tiến để phù hợp với điều kiện xã hội kinh tế tại Hoa Kỳ. Ông nói:
“Chính Phủ Hoa Kỳ cũng nên xem xét lại chính sách đối xử thiếu công bằng với ngành đông y. Nếu được như vậy thì đây là điều kiện cho giới trẻ kế thừa kinh nghiệm ngành y học cổ truyền để nó kết hợp với tây y và tôi nghĩ rằng trong tương lai nền y học sẽ cải biến hơn và tốt đẹp hơn và không còn phân biệt giữa đông y và tây y nữa. Theo tôi, các thầy thuốc đông y cũng cần phải học tập thêm, có nghĩa là cần trở lại các trường lớp chính quy để học đầy đủ những chương trình, môn học mà mình còn yếu kém.”
Bác sĩ Giang cũng cho rằng ngành đông y cần thay đổi nhiều để phát triển tại Hoa Kỳ:
“Đông y là một ngành y khoa có từ lâu đời và đã, không ít thì nhiều, chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó nhưng dĩ nhiên có nhiều điều cẩn sửa đổi, tôi mong rằng thứ nhất là việc kiểm soát hành nghề đông y cần phải chặt chẽ hơn… Để có một chỗ đứng vững vàng trong tương lai thì đông y phải có thêm nhiều nghiên cứu bằng phương pháp khoa học thực nghiệm rõ ràng thì đông y mới có thể phát triển mạnh tại bên Mỹ này.”