Các nhà nghiên cứu an ninh toàn cầu cho biết chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng với tốc độ kỷ lục vào năm 2022, đạt mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, AFP loan tin hôm 24/4.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), sự gia tăng chi tiêu quân sự ở châu Âu đã giúp chi tiêu quân sự toàn cầu đạt kỷ lục lần thứ tám liên tiếp ở mức 2,24 nghìn tỷ đôla, tương đương 2,2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.
Nhà nghiên cứu Nan Tian, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, nói với AFP: “Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi cuộc chiến ở Ukraine, (vốn) đẩy chi tiêu ngân sách của châu Âu tăng lên, nhưng cũng là do những căng thẳng chưa được giải quyết và ngày càng tồi tệ ở Đông Á giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Châu Âu chi nhiều hơn 13% cho quân đội của mình vào năm 2022 so với 12 tháng trước đó, trong một năm được đánh dấu bằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Con số này không tính đến tỷ lệ lạm phát mạnh, có nghĩa là chi tiêu thực tế thậm chí còn cao hơn, tổ chức tư vấn cho biết.
Đó là mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm và trở lại mức chi tiêu năm 1989 khi Bức tường Berlin sụp đổ.
“Ở châu Âu, nó đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc,” ông Tian nói.
Chỉ riêng Ukraine đã tăng chi tiêu gấp bảy lần lên 44 tỷ đôla, tương đương 1/3 GDP. SIPRI lưu ý rằng quốc gia này đã được hưởng lợi thêm từ hàng tỷ đôla viện trợ vũ khí từ nước ngoài.
Đồng thời, chi tiêu của Nga đã tăng 9,2% trong năm ngoái, ước tính cho thấy.
“Bất kể bạn có loại bỏ hai quốc gia tham chiến hay không, chi tiêu của châu Âu vẫn tăng lên khá nhiều”, ông Tian nói.
Chi tiêu ở châu Âu, đạt tổng cộng 480 tỷ đôla vào năm 2022, tăng 1/3 trong thập kỷ qua và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục và tăng tốc trong thập kỷ tới.
Ông Tian cho biết lục địa này “có khả năng” sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tương tự như năm 2022 trong vài năm tới.
Sau khi giảm mạnh vào những năm 1990, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên kể từ những năm 2000.
Sự phục hồi ban đầu là kết quả của các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào quân đội, sau đó là căng thẳng mới với Nga sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm 39% chi tiêu quân sự toàn cầu. Cùng với Trung Quốc, đứng thứ hai với 13%, hai quốc gia chiếm hơn một nửa chi tiêu quân sự của thế giới.
Những nước tiếp theo bị tụt lại phía sau, với Nga ở mức 3,9%, Ấn Độ ở mức 3,6% và Ả Rập Xê Út ở mức 3,3%.
“Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào lực lượng hải quân của mình như một cách để mở rộng phạm vi hoạt động của họ tới Đài Loan, sau đó là xa hơn là Biển Đông”, ông Tian nói.
Nhật Bản, cũng như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Úc đều đang theo xu hướng này.
Anh là quốc gia chi tiêu hàng đầu ở châu Âu, đứng ở vị trí thứ 6 chung cuộc và chiếm 3,1% chi tiêu toàn cầu, trước Đức ở mức 2,5% và Pháp ở mức 2,4% - những con số bao gồm các khoản đóng góp cho Ukraine.
Anh, nhà tài trợ lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ, “chi tiêu nhiều hơn Pháp và Đức. Nước này cũng viện trợ quân sự nhiều hơn Pháp và Đức”, ông Tian nói.