Những người bị nhiễm COVID có nguy cơ cao hơn sẽ bị một loạt các tổn thương não một năm sau đó, so với những người chưa bao giờ bị nhiễm virus corona, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ báo cáo hôm 22/9.
Cuộc nghiên cứu kéo dài một năm, được công bố trên tạp chí Nature Medicine, đánh giá sức khỏe não bộ trong 44 chứng rối loạn khác nhau bằng cách sử dụng hồ sơ y tế không nhận dạng bệnh nhân từ hàng triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Những rối loạn về não và các rối loạn thần kinh khác xảy ra nhiều hơn 7% nơi những người đã bị nhiễm COVID so với một nhóm tương tự là những cựu chiến binh chưa từng bị nhiễm bệnh. Với tỷ lệ này thì có thể suy ra gần 6,6 triệu người Mỹ bị suy giảm chức năng não liên quan đến COVID, nhóm nghiên cứu nói.
“Các kết quả cho thấy tác hại lâu dài của COVID-19”, bác sĩ Ziyad Al-Aly của Trường Y Đại học Washington cho biết.
Ông Al-Aly và các đồng nghiệp tại Trường Y Đại học Washington và Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis đã nghiên cứu hồ sơ y tế của 154.000 cựu chiến binh Hoa Kỳ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID từ ngày 1 tháng 3 năm 2020 đến ngày 15 tháng 1 năm 2021.
Họ so sánh với hồ sơ từ 5,6 triệu bệnh nhân không mắc COVID trong cùng khung thời gian và một nhóm khác gồm 5,8 triệu người trong khoảng thời gian ngay trước khi virus corona xuất hiện tại Hoa Kỳ.
Ông Al-Aly cho biết các nghiên cứu trước đây xem xét một nhóm hẹp hơn các rối loạn và tập trung chủ yếu vào bệnh nhân nhập viện, trong khi nghiên cứu của ông bao gồm cả bệnh nhân nhập viện và không nhập viện.
Suy giảm trí nhớ là triệu chứng phổ biến nhất. So với nhóm đối chứng, những người bị nhiễm COVID có nguy cơ phát triển các vấn đề về trí nhớ cao hơn 77%.
Những người bị nhiễm virus cũng có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ vì các cục máu đông cao hơn 50% so với nhóm chưa bao giờ bị nhiễm.
Những người bị COVID có nguy cơ bị co giật cao hơn 80%, có các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng hoặc trầm cảm cao hơn 43%, đau đầu cao hơn 35% và có nguy cơ bị rối loạn vận động, chẳng hạn như run, cao hơn 42% so với các nhóm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu đề nghị các chính phủ và hệ thống y tế phải đưa ra kế hoạch cho một thế giới hậu COVID.
Ông Al-Aly nói: “Với quy mô khổng lồ của đại dịch, việc đối mặt với những thách thức này đòi hỏi sự khẩn cấp và có sự phối hợp - nhưng cho đến nay vẫn vắng bóng - các chiến lược ứng phó toàn cầu, quốc gia và khu vực.”
Trong một thông tin khác liên quan tới đại dịch COVID, Pfizer ngày 22/9 loan báo sẽ cung cấp tới 6 triệu liệu trình điều trị chống virus cho Quỹ Toàn cầu dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang tìm cách giải quyết sự chênh lệch trên toàn thế giới về đáp ứng với COVID.
Công ty cho biết các liệu trình điều trị Paxlovid sẽ có sẵn để mua thông qua Cơ chế ứng phó COVID của Quỹ Toàn cầu cho 132 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm nay, tùy thuộc vào các quy định của địa phương.
Paxlovid được cung cấp rộng rãi ở nhiều quốc gia giàu có, nhưng khan hiếm tại các nước nghèo. Pfizer cho biết thỏa thuận cung cấp là một phần trong chiến lược của họ nhằm tạo điều kiện tiếp cận công bằng với các phương pháp điều trị COVID bằng thuốc uống.
Công ty đã thỏa thuận với một số nhà sản xuất thuốc gốc để sản xuất thuốc điều trị với giá thấp hơn cho các nước đang phát triển.
Quỹ Toàn cầu là một phần của đối tác “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19”, một nỗ lực của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới nhằm mua các bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine cho các nước thu nhập thấp.