Một nghiên cứu mới về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đặt Pakistan lên đầu danh sách.
Campuchia và Singapore lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba với tư cách là những nước ‘tiếp xúc nhiều nhất’ với ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Trung Quốc, có 8 quốc gia ở châu Á.
Paraguay, Bắc Macedonia và Albania được xếp hạng là ‘ít bị ảnh hưởng nhất’.
Chỉ số Trung Quốc 2022 khám phá ảnh hưởng của Trung Quốc tại 82 quốc gia bằng cách yêu cầu các chuyên gia trả lời các câu hỏi về các hoạt động của Trung Quốc tại quốc gia của họ. Nghiên cứu được thực hiện và công bố bởi mạng China in the World (CITW), một sáng kiến của nhóm chống thông tin sai lệch có trụ sở tại Đài Loan, Doublethink Lab.
Báo cáo đặt câu hỏi trên chín lĩnh vực để đánh giá mức độ phơi bày của mỗi quốc gia trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Các lĩnh vực đó bao gồm truyền thông, học thuật, kinh tế, xã hội, quân sự, thực thi pháp luật, công nghệ, chính trị trong nước và chính sách đối ngoại. Một số hoạt động của Bắc Kinh ở nước ngoài bao gồm các chuyến đi được trả lương cho các quan chức chính phủ, học bổng cho sinh viên, đào tạo báo chí, tài trợ nghiên cứu, thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự.
Ông Puma Shen, chủ tịch của Doublethink Lab, nói với VOA rằng nghiên cứu này cho phép mọi người trên khắp thế giới thấy cách Trung Quốc tiếp cận đất nước của họ.
“Bằng cách so sánh các xếp hạng này và so sánh tất cả các chiến lược khác nhau, tất cả các quốc gia này có thể học hỏi lẫn nhau, chẳng hạn như cách chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc,” ông nói.
Đo lường ảnh hưởng của Trung Quốc
Báo cáo đo lường mức độ ảnh hưởng thông qua ba chỉ số, ‘tiếp xúc’, ‘áp lực’ và ‘hiệu ứng’.
Tiếp xúc với các sáng kiến của Trung Quốc khiến một quốc gia dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của Trung Quốc, chẳng hạn như phụ thuộc kinh tế hoặc nhận các lợi ích khác.
Mức độ ‘áp lực’ mà Trung Quốc gây ra đối với một quốc gia cụ thể bao gồm các hành động trực tiếp hoặc gián tiếp của Bắc Kinh nhằm mục đích thay đổi thái độ của người dân.
Tác động thực tế hoặc mức độ mà một quốc gia đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, được mô tả là ‘hiệu ứng’ trong cuộc nghiên cứu này.
Pakistan đứng đầu danh sách
Pakistan, nước tiếp xúc nhiều nhất với ảnh hưởng của Trung Quốc trong bảng xếp hạng, được đánh giá 70% về mức độ ‘phơi nhiễm’, 10% về áp lực, và 75% về hiệu quả. Tuy nhiên, báo cáo cho biết những tỷ lệ phần trăm này “không cho thấy mức độ nào ngoài mức độ ‘bị chi phối hoàn toàn’ là 100%. Tỷ lệ phần trăm thể hiện điểm số của quốc gia trên tổng số điểm có thể đạt được dựa trên các chỉ số cho từng lĩnh vực.”
Theo báo cáo, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Pakistan nhiều nhất trong các lĩnh vực công nghệ, chính sách đối ngoại và quân sự.
Quan hệ Pakistan-Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết không có gì ngạc nhiên khi thấy Pakistan đứng đầu Chỉ số Trung Quốc năm 2022 vì cả hai nước đều có chung đường biên giới dài gần 600 km với nhau và có lịch sử đối đầu với Ấn Độ.
Mối quan hệ chiến lược lâu đời hàng thập niên giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi Mỹ tăng cường nỗ lực hỗ trợ Ấn Độ chống lại tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Chúng ta không thể tách rời và chỉ nhìn vào Pakistan và Trung Quốc bởi vì công bằng mà nói, bạn cũng phải xem Mỹ và Ấn Độ cũng đang làm việc như thế nào bởi vì cũng có loại quan hệ tứ giác chiến lược”, ông Syed Muhammad Ali, học giả thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, cho biết.
Những người khác chỉ ra rằng sự gần gũi của Pakistan với Trung Quốc cũng là kết quả của việc mối quan hệ của Islamabad với phương Tây nguội lạnh, đặc biệt là trong thập niên qua.
Ông Arif Rafiq, Chủ tịch của Vizier Consulting, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, nhận xét với VOA rằng đối với Pakistan thì Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại.
“Trung Quốc cung cấp cho Pakistan hàng hóa, vật liệu và nguồn vốn mà nước này không thể có được từ nơi khác, … bao gồm khí tài quân sự, … công nghệ tiên tiến liên quan đến vệ tinh viễn thám, và cũng bao gồm tài trợ cho các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng,” ông Rafiq nói.
Trong những năm gần đây, hai nước đã đạt được thỏa thuận để cùng chế tạo tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm có trụ sở tại Thụy Điển, từ năm 2017 đến 2021, Pakistan đã nhập khẩu 72% lượng vũ khí chính của mình từ Trung Quốc.
Trong khi Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) phát động năm 2015 được coi là viên ngọc quý trên vương miện của Sáng kiến Vành đai Con đường toàn cầu của Bắc Kinh với các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng trị giá khoảng 60 tỷ đô la, thì vào tháng 10, truyền thông địa phương đưa tin Bắc Kinh và Islamabad cũng đã đồng ý chính thức khởi động ba hành lang mới trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công nghệ.
Ông Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson của Washington, cho biết vị trí hàng đầu của Pakistan trong Chỉ số Trung Quốc 2022 cũng cho thấy sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào Islamabad.
Ông Kugelman nói: “Những kết quả này làm nổi bật thực tế rằng các lợi ích chiến lược của Trung Quốc đòi hỏi mức độ can dự và gầy dựng ảnh hưởng đáng kể với Pakistan.”
Ông chỉ ra CPEC không chỉ mang lại khoản đầu tư rất cần thiết cho Pakistan mà còn cho phép Trung Quốc tiếp cận các thị trường Trung Á thông qua cảng nước sâu Gwadar ở phía nam.
Quyền lực mềm của Trung Quốc tại Pakistan
Nghiên cứu lưu ý rằng Bắc Kinh cũng thực thi quyền lực mềm thông qua các sáng kiến bao gồm các Viện Khổng Tử dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời cung cấp tài chính cho các viện nghiên cứu và học bổng để ‘ve vãn’ người dân Pakistan.
Ông Kugelman nói: “Trung Quốc trong lịch sử đã phải nỗ lực rất nhiều để, không nói là xâm nhập, mà để thực sự xây dựng ảnh hưởng của mình đối với xã hội Pakistan, để cố gắng giành được lòng tin của người Pakistan.”
Báo cáo cho thấy các quan điểm chỉ trích Trung Quốc không được đưa lên các phương tiện truyền thông chính thống của Pakistan, các quan chức quân sự thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và việc Pakistan mua camera giám sát do Trung Quốc sản xuất là một trong số những tác động của việc tiếp xúc với Bắc Kinh.
Trung Quốc, Pakistan, Mỹ
Tuy nhiên, các nhà phân tích mà VOA phỏng vấn khác biệt suy nghĩ về những tác động xã hội lâu dài của việc Trung Quốc xâm nhập Pakistan.
Trong khi ông Kugelman bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động phản dân chủ như giám sát có thể gia tăng, ông Rafiq nói rằng quân đội và tình báo Pakistan đã tham gia vào các hoạt động độc đoán và không cần nguồn cảm hứng từ Trung Quốc.
Ông Ali thuộc Viện Trung Đông nói: “Mỹ, nhờ có Hollywood và mọi thứ khác, vẫn còn gây ảnh hưởng kinh tế xã hội, văn hóa lớn hơn nhiều đối với nước này.”
Bất chấp những nỗ lực song phương nhằm xây dựng ‘tình hữu nghị bền vững’, bà Madiha Afzal thuộc Viện Brookings nói với VOA qua email rằng “có những dấu hiệu cho thấy nhà nước [Pakistan] đã nhận ra một số nhược điểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn – chẳng hạn như đưa ra những lời đề nghị với Hoa Kỳ.”
Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Pakistan nói rằng đất nước của họ không muốn lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Pakistan nợ phần lớn nợ nước ngoài vào Trung Quốc, khoảng 30%. Trong khi Bắc Kinh giúp cung cấp một số tiền rất cần thiết, Islamabad đã tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vào mùa hè này để tránh vỡ nợ với các khoản thanh toán nợ.
Nhà tài trợ lớn nhất cho IMF lại là Mỹ.
Phương pháp luận
Một số chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về phương pháp được sử dụng để biên soạn Chỉ số Trung Quốc 2022.
Ông Tim Ruhlig của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức có trụ sở tại Berlin đã giúp thu thập dữ liệu từ Thụy Điển cho Chỉ số Trung Quốc 2022. Ông nói không rõ khi nào một ‘sự tiếp xúc’ được coi là mạnh hay yếu.
Ông Shen cho biết để chuẩn hóa kết quả, các nhà nghiên cứu được yêu cầu cung cấp các ghi chú bổ sung và bằng chứng về mức độ ‘phơi nhiễm’ mà Doublethink đã xem xét theo các tiêu chí của riêng mình để đánh giá chính xác mức độ.