Thành viên Hiệp hội các quốc gia đông nam Á, ASEAN, hôm 24/7 đã nhóm họp tại Lào trong lúc họ tìm cách thúc đẩy nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Myanmar vốn đã bị đình trệ và hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, vài ngày trước cuộc họp với ngoại trưởng các cường quốc.
Sau cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN sẽ là hai hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27/7 tại Lào để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng với sự tham dự của các quan chức Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và các nước khác.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ thảo luận về những nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột tàn phá ở Myanmar mà đến nay vẫn không có kết quả. Cuộc xung đột đã leo thang thành nội chiến ở Myanmar vốn do quân đội kiểm soát và đã khiến 2,6 triệu người phải di tản, theo Liên Hiệp Quốc.
Các nước lớn nhất trong ASEAN, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia, thất vọng vì tập đoàn quân sự Myanmar đã không sẵn sàng tôn trọng cam kết đối thoại, vốn đã thử thách uy tín của khối và tính khả thi của bản kế hoạch hòa bình được nhất trí vài tháng sau cuộc đảo chính hồi năm 2021.
Không rõ Lào, nước chủ tịch luân phiên của khối, có đạt được tiến triển gì hay không trong việc thúc đẩy sự tiếp cận của Indonesia, nước chủ tịch trước đây, với các tướng lĩnh và phe đối lập có vũ trang của Myanmar.
Ông Sidharto Suryodipuro, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết vấn đề này rất phức tạp và sẽ mất thời gian để giải quyết, trong khi Lào đang tích cực trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình.
“Các nỗ lực ngoại giao không thể kết thúc trong một sớm một chiều,” ông cho biết trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.
“Tiến triển chậm chạp... Những nỗ lực diễn ra kín đáo. Dưới quyền chủ tịch của Lào, đặc phái viên đang tiếp cận nhiều bên.”
ASEAN dự kiến sẽ thúc đẩy việc hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử với Bắc Kinh về Biển Đông vốn đã diễn ra quá lâu - ý tưởng ra đời vào năm 2002 và đã được đàm phán từ năm 2017 – trong đó có nhiều năm dành ra chỉ để thảo luận về các điều kiện đàm phán nội dung bộ quy tắc.
Tại Lào, Philippines sẽ đề xuất thành lập Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN giữa các nước thành viên để cho phép đối thoại và thực thi pháp luật, theo nhà ngoại giao cấp cao của nước này Theresa Lazaro, động thái có thể chọc giận Trung Quốc.
Indonesia hy vọng một bộ quy tắc có thể được ký kết vào năm 2026. Tuy nhiên, một số nhà phân tích an ninh nghi ngờ về khả năng đạt được bộ quy tắc mang tính ràng buộc hay có thể thực thi, với một số quốc gia ASEAN quyết tâm rằng nó phải dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, tuyến hàng hải với khối lượng hàng hóa giao thương trị giá 3.000 tỷ đô la mỗi năm, trong các hội nghị Đông Á vào cuối tuần vốn cũng có sự có mặt của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.