Việt Nam ở vị trí đặc biệt có thể giúp bình ổn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại một viện nghiên cứu ở Mỹ, đồng thời đề cao đường lối ngoại giao cây tre và kêu gọi Washington giúp nâng vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ từ ngày 23-27/3 để đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ nhất với người tương nhiệm Mỹ Anthony Blinken, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã có buổi nói chuyện về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ tại Viện Brookings ở thủ đô Washington hôm 26/3.
Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội hồi tháng 9 năm ngoái. Kể từ đó, hai nước đã có nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao.
Ông Sơn đã nhân cơ hội buổi nói chuyện này để quảng cáo về ngoại giao cây tre của Việt Nam cũng như tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ về kinh tế trong khuôn khổ quan hệ mới, theo quan sát của VOA.
Trả lời câu hỏi của người điều phối về làm thế nào chính sách đối ngoại Việt Nam thích nghi với cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, ông Sơn nhắc đến thuật ngữ ‘realpolitik’, có nghĩa là ‘ngoại giao thực dụng’ đối với giới chuyên ngành.
Không lâu sau khi đón tiếp Tổng thống Mỹ Biden, Việt Nam đã đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, cũng là chuyến thăm cấp nhà nước, trong đó Hà Nội và Bắc Kinh tuyên bố cùng tham gia cộng đồng chia sẻ tương lai. Những diễn biến đó khiến Việt Nam trở thành nước duy nhất ở đông nam Á có mối quan hệ ở cấp cao nhất với hai siêu cường.
“Chúng tôi có thể xử lý cạnh tranh giữa các siêu cường”, ông Sơn nói bằng tiếng Anh và cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là điều đương nhiên nhưng ‘xung đột không phải không thể tránh khỏi’.
Ngoại trưởng Sơn giải thích rằng quốc gia của ông ‘rất quý trọng hòa bình và ổn định’ từ những trải nghiệm đau thương trong chiến tranh nên luôn ‘thể hiện mong muốn tha thiết, chân thành xây dựng hòa bình và ồn định’ trong khu vực cũng như trên thế giới.
“Chúng tôi mong muốn đóng góp vào việc ổn định quan hệ giữa các cường quốc”, ông nói và cho rằng các nước dù lớn hay nhỏ đều có mục tiêu chung là ‘hòa bình, ổn định và thịnh vượng’.
Ông chỉ ra việc Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật, Úc và sắp tới sẽ là một số nước khác trong khu vực và thế giới để cho thấy Hà Nội đã ‘trở thành bạn tốt và đáng tin cậy của các nước’ để có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ngay sau chuyến công du Washington, ông Sơn sẽ có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 3-4/4 theo lời mời của Ngoại trưởng Vương Nghị, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết hôm 29/3.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của người điều phối về khả năng ‘cây tre cũng có thể bị gãy’ nếu gặp những sức ép quá lớn đe dọa đến lợi ích quốc gia và tình huống nào, chẳng hạn như trên Biển Đông, có thể khiến ngoại giao cây tre của Việt Nam bị gãy, ông Sơn đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà nói vòng vo để giải thích về ngoại giao cây tre.
Theo ông Sơn, cây tre có rễ chắc, thân cứng cáp, cành lá uyển chuyển. Rễ chính là tượng trưng cho nguyên tắc của ngoại giao Việt Nam là ‘độc lập, tự chủ, lợi ích quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi’, trong khi thân cứng cáp thể hiện phương châm công bằng, nhân bản và tôn trọng luật pháp quốc tế, còn ‘cành lá uyển chuyển’ ý nói ‘đường lối đối ngoại sáng tạo trên cơ sở hiểu mình, hiểu người’.
“Ngoại giao Việt Nam kiên định nguyên tắc nhưng linh hoạt trong cách thực hiện. Ngoại giao cây tre thể hiện rõ nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước lớn”, ông Sơn lý giải.
Ông khẳng định cho dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào thì nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam cũng không thay đổi – đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Chính nhờ ngoại giao cây tre mà Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước trên thế giới, theo ông Sơn, trong đó có tất cả 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Ông nói sự hợp tác và ủng hộ của các nước lớn là rất quan trọng để Việt Nam thực hiện được hai mục tiêu trăm năm là trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là khu vực đông nam Á ‘không nên xem hòa bình và ổn định là điều hiển nhiên’ vì khu vực này đã trở thành vũ đài cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong đó có điểm nóng tiềm tàng là Biển Đông.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các nước, nhất là các nước lớn hành xử có trách nhiệm đối với nhau vì tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực và trên thế giới”, ông bày tỏ.
Ông kêu gọi các nước lớn tôn trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trong khu vực trong phát biểu ngụ ý nhắm đến Trung Quốc – quốc gia có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông không tuân theo luật pháp quốc tế và xâm phạm lợi ích của Việt Nam.
Riêng đối với Mỹ, ông Sơn nói Việt Nam ‘hoan nghênh những đóng góp tích cực của Mỹ cho hòa bình và ổn định trong khu vực’ mặc dù lâu nay Bắc Kinh luôn chỉ trích Mỹ ‘quấy rối’ trong khu vực.
Về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập với Mỹ, ông Sơn khẳng định nước này là ‘một trong những đối tác hàng đầu’ của Việt Nam trên cơ sở ‘tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau’.
“Hướng về tương lai, chúng tôi quyết tâm làm việc với Mỹ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, ông nói và nêu ra những giải pháp như củng cố hơn nữa lòng tin chính trị, thúc đẩy trao đổi cấp cao, duy trì đối thoại thường xuyên và nhất là thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư mà ông cho là ‘lực đẩy’ của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ.
Trong hợp tác kinh tế, ông nói trọng tâm là xây dựng khả năng chống chịu cho chuỗi cung ứng, kết nối cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh và hậu cần.
“Chúng tôi rất coi trọng hệ sinh thái chất bán dẫn, đất hiếm và trí tuệ nhân tạo”, ông Sơn nói và cho rằng việc Mỹ giúp nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là ‘có lợi cho Mỹ và các đối tác khác’.
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Việt Nam cũng kêu gọi Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, điều mà cho đến nay giới chức Mỹ vẫn dè dặt bất chấp nhiều lần các lãnh đạo Việt Nam đã đặt vấn đề với phía Mỹ.