Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã đến Cairo để thảo luận về các vấn đề an ninh và khủng bố trong vùng, trong đó có mối đe dọa của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi Giáo.
Ngoại trưởng Kerry đến thủ đô Ai Cập cuối ngày thứ Bảy, 1/8, chặng dừng chân đầu tiên của chuyến đi thăm 5 quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á.
Thông tín viên Đài VOA cùng đi với ông Kerry tường trình là Ngoại trưởng Mỹ không có lịch trình gặp gỡ chính thức tối ngày thứ Bảy. Sáng ngày Chủ Nhật ông sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry.
Theo các giới chức Bộ Ngoại giao vấn đề an ninh sẽ là tâm điểm trong chuyến đi của ông Kerry.
Đặc biệt Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc” về tình trạng xáo trộn tại Bán đảo Sinai, nơi các phần tử hiếu chiến có liên hệ đến Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong một loạt các cuộc tấn công mới đây gây chết người tại vùng này.
Một giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ thảo luận về tình hình Sinai trước khi ông Kerry đến Ai Cập nói Hoa Kỳ cần hỗ trợ những nỗ lực của Ai Cập để ổn định tình hình.
Bà Michele Dunne, một nhà phân tích Mỹ có uy tín về những diễn biến tại Trung Đông, đồng thời đặc biệt chuyên về các vấn đề Ai Cập là một chuyên gia cao cấp của Viện Carnegie về Hòa bình Quốc tế nói: “Thách thức thực sự của Ngoại trưởng Kerry tại những cuộc gặp ở Ai Cập là làm thế nào…thảo luận về việc chống lại khủng bố trong vùng và tình hình trong nước tại Ai Cập, và làm thế nào kết hợp hai vấn đề này lại với nhau.”
Các giới chức Hoa Kỳ và Ai Cập sẽ thảo luận về các vấn đề chính trị, nhân quyền và kinh tế.
Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ loan báo đang chuyển giao 8 chiếc máy bay phản lực chiến đấu F-16 cho Ai Cập.
Trung tướng Charles Hooper, một viên chức cao cấp quốc phòng tại tòa đại sứ Mỹ ở Cairo nói: “Các máy bay F-16 cung cấp khả năng có giá trị cần thiết trong thời điểm bất ổn trong vùng.”
Viên chức cao cấp Hoa Kỳ thuyết trình cho các phóng viên về sứ mạng của Ngoại trưởng Kerry tại Trung Đông và Đông Nam Á nói không có liên hệ giữa chuyến viếng thăm của ông Kerry với thỏa thuận bán máy bay chiến đấu.
Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Barack Obama loan báo Hoa Kỳ gở bỏ việc ngưng viện trợ quân sự cho Ai Cập đã được ban hành cách đây 2 năm, sau khi Tổng thống Hosni Mubarak cầm quyền lâu năm bị lật đổ vì những cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ quân sự khoảng 1,3 tỉ đô la cho Ai Cập. Dù tái tục viện trợ, các giới chức Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Ai Cập đàn áp những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi người được bầu để kế vị tổng thống Mubark bị buộc phải từ chức vì áp lực của quân đội.
Quan ngại về Iran
Từ Ai Cập, Ngoại trưởng Kerry sẽ đến Qatar và sẽ gặp 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC vào ngày thứ Hai. Các thành viên GCC đã nêu lên những quan ngại về thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc chính trong đó có Hoa Kỳ. Sáu nước Ả Rập này, đều nằm gần Iran, lo ngại là thỏa thuận hạt nhân với Tehran có thể có hậu quả gây nên bất ổn trong vùng.
Một số bộ trưởng vùng Vịnh lo ngại là việc gỡ bỏ chế tài đối với Iran, nằm trong thỏa thuận hạt nhân, có thể giúp Tehran mở rộng ảnh hưởng trong vùng và đẩy mạnh việc yễm trợ vật chất cho các phần tử hiếu chiến.
Cả Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đều thảo luận thỏa thuận hạt nhân Iran với Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Abal al-Jubeir hồi tháng 7 vừa qua. Sau khi trở lại Riyadh vào tuần qua, bộ trưởng ngoại giao Ả Rập nói ông có kết luận là dường như thỏa thuận sẽ giới hạn khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran.
Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Xê-út, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất—tất cả đều theo thể chế quân chủ.
Ông Daniel Serwer, một học giả tại Viện Trung Đông ở Mỹ, nói ông không chắc là Ngoại trưởng Kerry sẽ có thể làm giảm bớt tất cả những lo ngại của GCC về thỏa thuận với Iran. Tuy nhiên ông cũng nêu lên nhiều lợi điểm của thỏa thuận hạt nhân này.
Ông Serwer nói: “Dường như đối với tôi, nếu tôi sống tại vùng Vịnh, tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn đối với Iran rút lại chương trình vũ khí hạt nhân và không thể theo đuổi việc này trong vòng 10 hay 15 năm, hơn là không có thỏa thuận nào cả.”
Các giới chức Mỹ nói trong khi có mặt tại Doha, ông Kerry cũng sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Những cuộc thảo luận sẽ bao gồm những nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria cũng như tình hình Ukraine.
Từ Qatar ông Kerry sẽ đến Singapore, Malaysia và Việt Nam- là 3 quốc gia có liên hệ đến những cuộc thảo luận về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương để cắt giảm thuế quan và những rào cản mậu dịch- và cũng sẽ tham dự một diễn đàn tại Kuala Lumpur do ASEAN tổ chức.
Trong khi có mặt tại Hà Nội. Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự một lễ hội kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp sau việc Hoa Kỳ dính líu đến Chiến tranh Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5